Nhiều điểm mới trong tuyển sinh của các trường đại học

Nhiều trường đại học đã đưa ra dự kiến phương án tuyển sinh cho năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới trong xét tuyển.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT

Đại diện Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, năm 2025 dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024. Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu, xét tuyển thẳng 2%. Đại học Kinh tế quốc dân cũng dự kiến sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00, A01, D01, D07, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm tới dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40% đồng thời tăng nhẹ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Năm tới, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến mở rộng điểm tổ chức để thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể thuận lợi tham gia kỳ thi này.

Năm 2025, nhiều trường đại học giảm chi tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT
Năm 2025, nhiều trường đại học giảm chi tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT

Năm 2025, trường ĐH Thương Mại dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như: Đánh giá tư duy, đánh giá năng lực…

Trao đổi với Báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS. Phạm Quang Dũng, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, năm nay, trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải dự kiến sẽ có 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT cho một số nhóm ngành; xét tuyển sử dụng kết quả của các kỳ thi Đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội), Đánh gía năn lực (ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm) cho một số nhóm ngành; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ kết hợp.

Tại nhiều trường đại học top đầu, phương thức xét tuyển bằng học bạ đang giảm sâu và dự kiến sẽ dần bị loại bỏ. Riêng với trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội đã loại bỏ phương thức này từ năm 2024 và năm nay vẫn giữ nguyên quan điểm sử dụng ổn định 3 phương pháp tuyển sinh như năm 2024.

Trong đề án tuyển sinh năm 2025, trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025.

Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiêwns áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50 chỉ tiêu mỗi ngành). Năm nay, trường cũng dành khoảng 20-40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tăng kỳ thi riêng

Có thể thấy, việc các trường xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng cũng là xu hướng tuyển sinh năm 2025. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội... tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để lấy đó làm cơ sở xét tuyển.

Một số trường đại học tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh cho kỳ thi riêng
Một số trường đại học tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh cho kỳ thi riêng

Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy (TSA). Đợt thi sớm nhất diễn ra vào ngày 18-19/1/2025. Mục tiêu của Bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng công bố, năm 2025, đơn vị này sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Phương thức 1 xét tuyển theo quy chế của Bộ GDĐT khoảng 10% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên khoảng 10 - 20% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40 - 50% chỉ tiêu)… Đại diện nhà trường lý giải, không dùng kết quả học bạ xét tuyển nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Điều này cũng đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2025 và sẽ không sử dụng kết quả thi do các đơn vị khác tổ chức để xét tuyển đầu vào.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT nên thống nhất quy định chọn kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm tiêu chí chính để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp như chỉ đạo tại Nghị quyết 29: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...”

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 7
Tác giả: Đình Trung
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...