Người trẻ hiện nay đi làm kiếm thêm kinh nghiệm hay mong sớm ổn định?
Những người mới bắt đầu đi làm, nên nhảy việc chấp nhận lương thấp để học hỏi kinh nghiệm hay ở một công ty lâu dài để nhanh chóng ổn định?
Xu hướng làm việc của nhiều người trẻ hiện nay là xoay chuyển làm sao để dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, không vùi đầu vào công việc. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, họ cần phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm và thu nhập ổn định. Nhưng trước khi đạt được đến điều đó, họ vẫn còn loay hoay mục đích đi làm trước mắt hiện nay là học hỏi kiến thức hay làm việc chỉ để kiếm thật nhiều tiền.
Làm việc vì kiến thức, kinh nghiệm là một dạng tận hưởng
Chính vì xu hướng đi làm không chỉ để kiếm tiền mà là tận hưởng cảm giác làm việc, người trẻ đề cao việc học hỏi kiến thức hơn so với đồng lương.
“Là một workaholic, mình tự tin khẳng định bản thân đi làm để học hỏi. Vì đối với mình, nếu đã học thì sẽ không bao giờ là đủ và bản thân phải luôn cố gắng từng ngày. Mình luôn quan niệm rằng, càng nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong ngành nghề, sẽ khiến bản thân “pro” hơn. Lương - có lẽ đối với nhiều người là một vấn đề khá nhạy cảm, “có thực mới vực được đạo” cũng khá là đúng. Tuy nhiên, khi còn trẻ điều quan trong chính là luôn thử nghiệm những điều mới và không ngại khó khăn. Mình cũng đã từng đi làm đồng lương thấp chỉ để học hỏi kinh nghiệm và mình thấy đó chính là quyết định sáng suốt. Nếu đã mang trong mình “một bụng” kiến thức, thì có đi bất kì môi trường nào cũng có thể “sống sót” tốt.” - Chị Linh Trần đang làm việc tại TP HCM.
"Mình rất quan trọng kinh nghiệm và kiến thức khi đi làm. Giàu kinh nghiệm không chỉ tốt cho những dự án cá nhân sau này, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm với đồng lương tốt hơn. Mình sẵn sàng nhận công việc phù hợp với định hướng dù lương không cao, vì mình đang trong giai đoạn cần ưu tiên cho mục tiêu kiến thức. Có thể khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức thì mình sẽ đến giai đoạn tích lũy tài chính. Đối với mình, "ổn định" về mặt tài chính chỉ mang tính chất tạm thời và có thể "bất ổn định" nhanh chóng vì tác nhân khách quan. Chỉ có giàu kiến thức và kinh nghiệm mới được gọi là "ổn định" thực sự" - Chị Lê Giang hiện đang là nhân viên của một công ty công nghệ tại TP HCM.
Anh Minh Tuấn cũng chia sẻ: "Nếu cứ cố cam chịu làm ở một nơi nào đó vì mức lương có thể giúp mình duy trì một cuộc sống ổn định, thì ắt là một cực hình. Bởi vì 1/3 thời gian 1 ngày mình dành cho công việc, thế nên nếu không thể thoải mái, tận hưởng nó thì cuộc sống bạn khó có niềm vui. Thế nên mình chọn công việc dù có mức lương không ổn định, nhưng tính chất công việc mang đến mình nhiều thử thách mới, nhiều kiến thức mới, thì mỗi ngày đều thức dậy trong sự háo hức được đi làm".
“Cuộc sống ổn định” vẫn là quan niệm của nhiều dân văn phòng từ trước đến nay
"Thực tế thường khắc nghiệt hơn những gì mình tưởng" chính là cách nghĩ của nhiều người khi lần đầu bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nhiều người nói rằng “tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng quên mất một điều nếu thiếu tiền thì cuộc sống cũng khó mà vui.
Anh Hoàng Luân, hiện đang làm việc tại một công ty điện lực: “Khi vừa mới ra trường xin việc, mình đã có suy nghĩ rằng việc tốt thì có thể nhiều nhưng quan trọng phải tìm được việc có mức lương tốt. Vì khi đi làm, tự lập rồi sẽ có khá nhiều khoản phải chi trả, nếu có nhà ở thành phố thì quá tốt, nhưng mình là dân tỉnh lẻ, phải trả tiền thuê trọ, điện, nước, sinh hoạt... Nhiều lúc để hỗ trợ cho công việc tốt hơn, mình mua trả góp một số thiết bị như điện thoại, laptop... Mặc dù vẫn có dư để lâu lâu tự thưởng cho bản thân đi du lịch, mua sắm nhưng vẫn có một áp lực vô hình về số tiền lương. Đi làm có vui, có nhiều kinh nghiệm đi chăng nữa nhưng đồng lương ít ỏi thì vẫn cảm thấy không hài lòng".
Đồng ý kiến, anh Ngọc Huy nói rằng: "Là đàn ông nên mình khá áp lực trong thành công sự nghiệp. Nếu có nguồn thu nhập cao, bản thân mình sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều khi tiếp xúc với bạn bè, người thân. Nên đối với mình, càng nhành chóng ổn định tài chính càng tốt, làm nghề nào cũng vậy, kiếm tiền nhiều đồng nghĩa với việc mình phải ra sức nhiều, kinh nghiệm cũng từ đó sẽ học được thôi".
“Hết 60% sự quan tâm của mình dồn vào tiền lương khi đi làm. Mình có thể sẵn sàng làm việc vì đam mê, lấy kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp sau này, nhưng đam mê thì cũng cần phải có tiền để sống. Thậm chí mình chỉ sắp đến giai đoạn từ 25 đến 30 tuổi, nếu có một công việc thu nhập cao nhưng lệch định hướng thì mình cũng sẽ cân nhắc” - Chị Thanh Trâm hiện đang làm việc tại một công ty giải trí ở TP HCM chia sẻ.
Rất khó để cân bằng cả hai yếu tố
Kinh nghiệm làm việc và mức lương luôn có mối liên quan đến nhau. Nếu đi làm không quan trọng lương, sẽ đến một thời điểm người trẻ bị mất cân bằng vì cuộc sống văn phòng cần nhiều thứ để chi trả. Ngược lại, nếu chọn công việc vì tiền sẽ hình thành tính “thực dụng”, áp lực công việc khiến cuộc sống trở nên khó thở.
“Cố gắng trong công việc là cách mình đang làm để tiến đến những chức vụ cao hơn trong công ty. Tiền lương khá quan trọng, có lẽ cũng chiếm phần lớn trong nhu cầu hiện tại của mình, nhưng tiền lương không giúp mình leo tới những bậc cao hơn được. Để trở thành một người có tiếng nói, điều mình phải làm chính là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Yếu tố quyết định đó chính là sức trẻ, sự nhiệt huyết đối với việc mình đang làm. Tiền có thể kiếm lại được, nhưng kinh nghiệm và kiến thức sẽ mất nhiều thời gian hơn, chí ít là đối với mình. Vì vậy, khi còn trẻ, chủ động tham gia và thử thách bản thân ở những dự án lớn, đầy tính mạo hiểm cũng là một cách để mình khẳng định khả năng. Mong rằng trong tương lai, với sự cố gắng không ngừng, đồng lương của mình sẽ còn tăng gấp nhiều lần nữa” - Chị Thanh Trâm.
“Ngoài học hỏi kinh nghiệm ở công ty mình còn muốn học thêm những kiến thức khác để nâng cao tay nghề. Song, mình đang nhận làm thêm nhiều việc tự do để đáp ứng mong muốn đó và cùng lúc có thêm thu nhập. Thay vì tìm công việc cung cấp nhiều kiến thức và mức lương cao, mình chủ động tự cân bằng trước” - chị Ngọc Tâm.