Ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội

Mạng xã hội (MXH) ra đời như một bước tiến lớn của ngành công nghệ số. Tuy nhiên, MXH cũng kéo theo nhiều mối lo ngại, một trong số đó là vấn đề thông tin độc hại, sai lệch; nếu không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ gây mất trật tự an ninh xã hội.

Công tác đấu tranh còn gặp khó khăn

Hiện nay, không gian mạng đang trở thành mặt trận chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, YouTube, TikTok) chính là môi trường lý tưởng để tán phát thông tin độc hại, sai sự thật; thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Công tác đấu tranh với thông tin xấu, độc trên MXH gặp rất nhiều khó khăn, một phần do cơ chế kiểm duyệt dữ liệu của hệ thống vận hành MXH chưa kín kẽ, vô tình hoặc cố tình bỏ lọt những thông tin độc hại.

Bên cạnh đó, MXH với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ nước ngoài hoạt động xuyên biên giới với những quy định, nguyên tắc do đơn vị làm chủ áp đặt, để buộc họ chấp hành, tuân thủ những quy định theo luật pháp Việt Nam là việc không dễ dàng.

Cơ quan chức năng làm việc với chủ tài khoản TikTok vi phạm. Ảnh: Cand.com.vn 

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 5 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh với các nền tảng MXH là cuộc chiến trường kỳ bởi các nền tảng xuyên biên giới này luôn tìm cách né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng.

Trước năm 2017, các nền tảng MXH chủ yếu không hợp tác với cơ quan quản lý, hoặc nếu có thì hợp tác cầm chừng. Từ năm 2020 trở đi, bên cạnh việc có nhiều kinh nghiệm quản lý hơn, đã có sự phối kết hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng và cho những kết quả đột phá. Hiện tại, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin độc hại trên không gian mạng đang được duy trì ở mức cao nhất từ trước đến nay (trên 90%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã thực hiện gỡ 2.549 bài viết, 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo vi phạm đối với Facebook. Đối với YouTube, gỡ 6.101 video, 7 kênh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động của một nền tảng xuyên biên giới lớn là TikTok, thực hiện gỡ 415 đường link và 149 tài khoản vi phạm. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo được áp dụng để tự động rà quét các hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật, không để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình kinh tế-xã hội đăng thông tin kích động người dân.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý

Bên cạnh việc ngăn chặn các thông tin độc hại từ MXH, việc siết chặt quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này cũng là nhiệm vụ quan trọng. Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, muốn quản lý được các luồng thông tin trên không gian mạng thì cần quản lý tốt 3 nhóm đối tượng sau: Các ứng dụng nền tảng; các đại lý quảng cáo nhãn hàng, thương hiệu và những người làm nội dung, có khả năng định hướng và dẫn dắt dư luận.

Đối với hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng này áp dụng công nghệ rà quét quảng cáo vi phạm tự động (đặc biệt là hai nền tảng vi phạm quảng cáo nhiều nhất là Facebook và YouTube).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và gửi đến những đại lý quảng cáo danh sách các báo, trang tin, MXH được cấp phép cũng như những kênh đã đăng ký hoạt động để các nhãn hàng ưu tiên lựa chọn khi quảng cáo. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu không quảng cáo trên các trang, kênh có nội dung vi phạm, ngăn chặn dòng tiền quảng cáo chảy về các trang vi phạm, hướng dòng tiền quảng cáo về những trang thông tin sạch.

Đối với các ứng dụng OTT (ứng dụng nhắn tin, gọi điện, xem truyền hình thông qua internet), Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu các ứng dụng này tuân thủ Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu 5 hãng sản xuất ti vi lớn tại Việt Nam (Samsung, TCL, LG, Casper, Sony) không cài sẵn các OTT cung cấp nội dung theo yêu cầu không phép và có lộ trình gỡ những phím tắt các ứng dụng này khỏi bộ điều khiển ti vi. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để các nền tảng trong đó có Netflix phải tuân thủ pháp luật bằng hành động cụ thể là nộp đơn xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kết nối được với hơn 200 doanh nghiệp, công ty truyền thông, các nhà sản xuất nội dung trên nền tảng số, những người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng để phổ biến các chính sách, pháp luật đối với hoạt động trên internet, cùng với đó, hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung sạch tiếp cận với những nhãn hàng và đại lý quảng cáo để được lựa chọn ưu tiên quảng cáo.

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ chặn, gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ các tài khoản vi phạm. Bộ cũng sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra để chấn chỉnh, xử phạt và buộc TikTok phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng ứng dụng khác. Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử sẽ phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung số để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng, chống tin giả trên mạng.

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...