Mất trên 300 triệu đồng khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo

Cả tin khi nghe lời quảng cáo hấp dẫn về tham gia sàn giao dịch tiền ảo, người đàn ông ở quận Long Biên (Hà Nội) bị mất 300 triệu đồng.

Mới đây, Công an quận Long Biên nhận được đơn trình báo của một người đàn ông trú ở phường Thạch Bàn về việc đã mất hơn 300 triệu khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo.

Theo đơn trình báo, vào tháng 6/2022, anh K (sinh năm 1980) nhận được lời mời tham gia "đầu tư sàn ngoại hối".

Với những lời quảng cáo hấp dẫn như cam kết trả lợi nhuận với người chơi, chia hoa hồng cao khi mời thêm được những người khác cùng tham gia, anh K đã nạp 250 triệu đồng vào tài khoản.

Nhưng sau khi chuyển tiền xong, anh K không rút được tiền. Chủ sàn yêu cầu anh phải nâng cấp lên tài khoản VIP thì mới rút được tiền. Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm 88 triệu đồng, anh K không rút được tiền và bị xóa khỏi nhóm giao dịch. Lúc này anh K mới biết bị lừa và đến Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên trình báo.

Bất chấp cảnh báo, nhiều người dân vẫn mắc bẫy sàn giao dịch tiền ảo (ảnh minh hoạ)

Bất chấp cảnh báo, nhiều người dân vẫn mắc bẫy sàn giao dịch tiền ảo (ảnh minh hoạ)

Theo cơ quan công an, hiện nay xuất hiện các sàn giao dịch tiền ảo, thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận với người chơi, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Thời gian đầu, các sàn này sẽ để nhà đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động của sàn giao dịch tiền ảo để tổ chức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư; Các cá nhân cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng thiết lập, điều hành trong việc quảng bá, hoạt động thanh toán có thể bị xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015 tội "Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự quy định về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Theo cơ quan công an, các chiêu trò lừa đảo của sàn tiền ảo là vấn đề không mới. Do đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng chiêu trò quảng cáo như lợi nhuận khủng, chế độ hoa hồng cao, cách thức đầu tư đơn giản nên người tham gia các sàn giao dịch tiền ảo rất đông, lên đến hàng nghìn người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đến khi thu hút được một số lượng tiền nhất định của nhà đầu tư thì các đối tượng này sẽ đánh sập trang.

Lực lượng chức năng thông tin thêm, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Pháp luật cũng không bảo vệ các rủi ro khi tham gia sàn tiền ảo trái phép. Không ít bị hại khi tới cơ quan Công an trình báo cho biết, nhận thức được rủi ro khi tham gia các sản giao dịch tiền ảo và dự định sẽ rút đầu tư "ăn non" trước khi sàn sập.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào các sản giao dịch tiền ảo đều trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo; Số tiền đầu tư không biết bao giờ mới có thể thu hồi được do hầu hết máy chủ các website sàn giao dịch tiền ảo trái phép đều đặt ở nước ngoài.

Lượt xem: 536
Tác giả: Hoa Thành
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...