Lật tẩy chiêu trò gia công mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng

Ẩn sau các thương hiệu đình đám là những nhà máy gia công hoạt động như dây chuyền công nghiệp, nơi mỹ phẩm và thực phẩm chức năng kém chất lượng được “ra lò” mỗi ngày. Phóng viên đã thâm nhập, làm rõ nhiều chiêu trò tinh vi đang qua mặt người tiêu dùng.

Lật tẩy chiêu trò gia công mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng

Vimac - Nhà máy sản xuất mỹ phẩm được giới thiệu đạt tiêu chuẩn GGMP ASEAN/ISO 22716. Ảnh: PV

Đế chế ngầm đứng sau loạt thương hiệu đình đám

Không phải từ phòng thí nghiệm nghiêm ngặt của những tập đoàn đa quốc gia, mà từ các nhà máy gia công, hàng vạn sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng đang được “khai sinh” mỗi ngày, với công thức tùy chỉnh theo ngân sách và mục đích truyền thông.

Trong giới gia công mỹ phẩm, Nhà máy gia công Vimac là một trong những cơ sở nổi bật được quảng cáo có nhà máy gia công đạt tiêu chuẩn GGMP ASEAN/ISO 22716, có trụ sở tại cụm công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi đây được quảng bá là cái nôi sản xuất cho hàng loạt thương hiệu bán chạy trên TikTok, Shopee và nhiều sàn thương mại điện tử khác.

Trong vai khách hàng muốn sản xuất mặt nạ thuần chay làm trắng da, chúng tôi được nhân viên tên Hà (tên đã thay đổi) tiếp đón nồng nhiệt. Khi yêu cầu sản phẩm giá rẻ, Hà nhanh chóng đề xuất công thức có bổ sung Niacinamide, hoạt chất phổ biến làm sáng da, nhưng với hàm lượng linh động để đảm bảo giá thành dao động từ 7.000 đến 9.000 đồng/sản phẩm.

Không chỉ là nơi sản xuất, Vimac còn sẵn sàng chắp cánh truyền thông cho các thương hiệu mới: Từ cho mượn không gian nhà máy quay video, hỗ trợ hình ảnh "chiết xuất, đóng gói thực tế", cho đến thiết lập vùng trồng nguyên liệu giả lập nếu khách hàng cần xây dựng câu chuyện thương hiệu “sạch, chuẩn, hữu cơ”. Một bộ nhận diện ảo, đủ khiến người tiêu dùng tin tưởng rằng họ đang dùng sản phẩm cao cấp.

Dẫn chúng tôi vào phòng lab, Hùng (tên nhân vật đã thay đổi) là một chuyên viên nghiên cứu sản phẩm cho biết, khách hàng mang sản phẩm mẫu đến đây, kể cả mỹ phẩm từ Pháp, Ý, Mỹ, Nhật… đều có ở đây cả. Khách hàng yêu cầu sản phẩm như thế nào, Vimac sẽ cố gắng tạo ra phiên bản gần nhất với phiên bản đó, ít nhất giống 80%.

Theo nam chuyên viên phòng lab này, việc tạo ra công thức tương tự với sản phẩm gốc là hoàn toàn khả thi. “Anh chị có thể tạo ra công thức giống như vậy, chỉ cần đặt một tên khác hoặc tên gần giống, miễn không vi phạm đăng ký độc quyền, là vẫn hợp pháp” - người này nói.

Hùng lấy ví dụ một sản phẩm ghi thành phần 100% đông trùng hạ thảo, thì bản chất cần phải hiểu như thế này: Thành phần gốc đúng là 100% đông trùng hạ thảo, không phải là đế đông trùng hay thân đông trùng; nhưng tỉ lệ đông trùng hạ thảo tham gia vào sản phẩm đó có khi chỉ chiếm 1%. Vậy là sản phẩm vẫn được quảng cáo là chứa 100% đông trùng hạ thảo - đây là một thủ thuật ngôn ngữ trong giới kinh doanh.

Trong quá trình quảng cáo về nhà máy, anh Hùng còn giới thiệu có nhiều nhân vật nổi tiếng trên TikTok và diễn viên nổi tiếng cũng gia công sản phẩm ở đây như mỹ phẩm của TikToker H.K.N, hay diễn viên Q.T có bộ sản phẩm for men ở đây.

Nhiều chiêu thức kinh doanh sản phẩm gia công được nhân viên kinh doanh Vimac bật mí. Ảnh: PV

Nhiều chiêu thức kinh doanh sản phẩm gia công được nhân viên kinh doanh Vimac bật mí. Ảnh: PV

Sữa New Zealand, nguyên liệu Trung Quốc: Công thức chung của ngành thực phẩm bổ sung

Tại một “công xưởng” khác - Công ty Cổ phần Dược Lis Việt Nam (LisGroup), câu chuyện không mấy khác biệt. Đây là nơi sản xuất hàng loạt thực phẩm chức năng, sữa bột và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nằm tại khu đô thị mới An Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Khi chúng tôi đề nghị sản xuất thực phẩm bổ sung từ Cà gai leo, nhân viên tên Lan (đã đổi tên) thẳng thắn: “Thực phẩm bổ sung đang bị kiểm tra gắt gao, nên bên em khuyên làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ an toàn hơn".

Cụm từ “thực phẩm bảo vệ sức khỏe” chính là chiếc ô đa dụng để lách qua các khe hở hậu kiểm. Công thức sẵn, hồ sơ công bố đầy đủ, chỉ cần thiết kế lại bao bì là có thể tung ra thị trường.

LisGroup hiện có sẵn “mấy trăm bộ sản phẩm đã công bố”, nghĩa là khách hàng chỉ cần chọn một bộ, “dán tên mới vào” là có thương hiệu riêng.

Tại LisGroup chúng tôi gặp Duyên, dù mới sinh năm 2002 Duyên đã có kinh nghiệm rất dày dặn. Cô gái này cho biết, mới làm việc tại đây 6 tháng nhưng đã trực tiếp xây dựng công thức cho hàng loạt sản phẩm. Duyên nói thẳng: “Muốn giá rẻ thì phải kéo hàm lượng nguyên liệu xuống thấp nhất có thể”.

Và một trong những chiêu thức quen thuộc là tạo nên các sản phẩm “lai mác”. Ví dụ, một hộp sữa có gắn thương hiệu “New Zealand”, nhưng thực tế chỉ sữa nền nhập từ New Zealand, còn các thành phần dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin… lại nhập từ Trung Quốc, nơi giá nguyên liệu rẻ đến mức không tưởng.

Duyên đưa ví dụ: “Muốn thêm canxi từ xương cá Tuyết, không cần nghiền cá thật - chỉ cần mua bột canxi có nguồn gốc từ đó là đủ ghi lên bao bì rồi”. Một thủ thuật đánh lừa cảm giác an tâm từ người tiêu dùng, nhưng hoàn toàn “hợp pháp trên giấy tờ”.

Điều đáng lo ngại nhất, không nằm ở kỹ thuật sản xuất hay cách đặt tên, mà ở việc những sản phẩm này có thể dễ dàng vượt qua hàng rào kiểm định, lọt ra thị trường như một sản phẩm được kiểm chứng an toàn.

Lan - nhân viên LisGroup - chia sẻ: “Hậu kiểm chỉ xảy ra khi có "phốt" hoặc bị tố cáo. Bình thường thì... không ai đụng đến”. Sự thờ ơ của cơ quan quản lý, cộng với sự tinh vi của các cơ sở gia công, đang khiến thị trường tràn ngập những sản phẩm gắn mác quốc tế nhưng chất lượng… nội địa giá rẻ.

Câu chuyện sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không còn đơn thuần là "gia công theo yêu cầu", mà đã trở thành một ngành công nghiệp ngầm: Nơi mà mọi thứ đều có thể bị "mông má", từ bao bì, công thức, vùng trồng nguyên liệu, cho đến cả... lòng tin của người tiêu dùng.

Phía sau mỗi câu slogan “từ thiên nhiên”, “công nghệ Nhật Bản”, “nguyên liệu nhập khẩu”… có thể chỉ là một trò chơi ngôn ngữ, một ma trận được thiết kế công phu để dẫn dụ người tiêu dùng.

Một thị trường hỗn loạn, khi mà sản phẩm có thể được “khai sinh” trong vài ngày, thương hiệu được “thổi phồng” trong vài clip TikTok, và hồ sơ công bố chỉ là những tờ giấy được... xử lý cho đúng luật. Người tiêu dùng, nếu không tỉnh táo, rất dễ trở thành nạn nhân của một hệ sinh thái kinh doanh không đặt sức khỏe con người làm trung tâm.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...