Làm rõ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo
Trong dự án Luật Nhà giáo, nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ đối với nhà giáo.
Dự án Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 20.11 tới đây.
Dự thảo luật quy định khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) đề nghị xem xét, đảm bảo có sự thống nhất cho các địa phương. Địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành các chính sách riêng hỗ trợ nhà giáo, còn địa phương không có điều kiện về ngân sách thì không ban hành.
Theo đại biểu, điều này chưa đảm bảo sự thống nhất, thiếu công bằng giữa các nhà giáo đang công tác tại các địa phương.
Về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, dự thảo quy định phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng và theo quy định của pháp luật.
Với chính sách này, đại biểu đề nghị rà soát lại vì từ ngày 1.7.2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề được gộp với phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm và được gọi chung với tên gọi mới là phụ cấp theo nghề.
Đại biểu đề nghị làm rõ phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại dự án luật khác như thế nào với phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Về việc xếp tăng 1 bậc lương khi tuyển dụng, đại biểu cho rằng, không nên cào bằng và bao quát hết tất cả nhà giáo được tuyển dụng phải được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Cần có quy định và giới hạn đối tượng là những sinh viên sư phạm khi ra trường được xếp tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc.
Chính sách cho nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích sinh viên giỏi vào ngành sư phạm; người có thâm niên như các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy, công tác tốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu.
Với các quy định như dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cũng cho rằng, tại các thành phố lớn, có nhiều thu nhập tăng thêm thì giáo viên có thể sống được bằng lương. Nhưng ở các địa phương khác, nhất là đối với những giáo viên mới bước vào nghề và không có những phụ cấp tăng thêm thì lương rất thấp, cuộc sống rất khó. Sau khi giảng dạy một thời gian mới có cải thiện.
Còn đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi… Trong đó, phân định nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương để đảm bảo luật có tính khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
Dự thảo luật đang quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cho hay, quy định "trừ khi có thỏa thuận khác" được hiểu rằng có thể bằng, cao hơn hoặc thấp hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập.
Như vậy, việc đảm bảo công bằng giữa giữa nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập khó thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc xem xét quy định này.