Góc nhìn giáo dục: Chặn đường luồn lách vào học đường của thuốc lá điện tử
Ngày 11-3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-chức vụ Công an TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an phường An Mỹ thu giữ 191 cây thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc.
Tương tự, ngày 16-3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng bắt đối tượng Lục Thị Quỳnh Hương mua thuốc lá lạ, thuốc lá điện tử qua mạng xã hội, sau đó về bán lại để kiếm lời. Không chỉ buôn lậu, giấu giếm, trên mạng xã hội thậm chí còn tràn lan lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn thuốc lá điện tử, như: Giá “ưu đãi” dành cho học sinh và miễn phí giao hàng cùng những lời lôi kéo, dụ dỗ ngon ngọt để học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Nguy hiểm hơn, mới đây, một số cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) phát hiện 5 đối tượng nữ mang thuốc lá điện tử đến mời gọi các em hút thử ở công viên với hứa hẹn: "Hút và rủ thêm người hút sẽ được tặng luôn thuốc lá điện tử và thêm 50.000 đồng".
Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản |
Có thể thấy, thuốc lá điện tử đang “tìm” mọi ngóc ngách để luồn lách đến đối tượng khách hàng trẻ với tần suất tương đối lớn, xuất hiện ở nhiều vùng miền của đất nước. Nhiều học sinh bị cuốn hút bởi những điều mới lạ của thuốc lá điện tử. Phần lớn các em suy nghĩ đơn giản là hút để biết, hút cho vui và đua đòi với chúng bạn mà không lường đến hậu quả của những thành phần độc hại có trong thuốc lá điện tử hay ma túy được ngụy trang bằng thuốc lá điện tử; ảo giác do dùng thuốc dẫn đến mất kiểm soát hành vi...
Ở một số trường hợp, các em còn bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào mục đích xấu như tăng độ nghiện thuốc lá điện tử thành ma túy, bị khống chế tham gia hoạt động phi pháp, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy... Có thể thấy thực tế, tình trạng học sinh THCS, THPT sử dụng thuốc lá điện tử không còn xa lạ. Theo công bố của Bộ Y tế năm 2022, tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022 thì tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020; ở nhóm học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%. Điều này cho thấy chúng ta không thể chần chừ trong việc đề ra chế tài mạnh tay xử lý việc buôn bán thuốc lá điện tử.
Đáng tiếc, vừa qua khi Bộ Tài chính có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có điều khoản tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và thuốc lá điện tử thì quy định này không thể áp dụng. Lý do là vì thuốc lá mới là sản phẩm chưa được định nghĩa, chưa được lưu hành. Nếu đưa vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây cách hiểu rất nguy hiểm trong xã hội là sản phẩm này sẽ được phép lưu hành tại Việt Nam và coi đây là việc đã rồi.
Như vậy, trong khi chờ hoàn thiện luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần mạnh tay cấm triệt để, toàn diện việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, buôn bán thuốc lá điện tử dưới mọi hình thức. Hơn thế, với những đối tượng cố tình bán, khuyến khích trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử, cần phạt thật nặng để tăng tính răn đe bên cạnh những hình thức tuyên truyền, giáo dục để trẻ em tránh xa loại thuốc lá nguy hiểm này.