Giới trẻ làm từ thiện: Của cho không bằng cách cho!
Làm thiện nguyện không phải cứ đóng góp vật chất mới là từ thiện, ủng hộ một hay trăm tỷ đồng đều xuất phát từ cái tâm, quan trọng cách cho như thế nào mới là đáng quý.
Lời nhắn từ thế hệ của tương lai
Chứng kiến những mất mát, đau thương mà đồng bào miền Bắc phải gánh chịu bởi cơn bão số 3 (Yagi) cùng mưa lũ gây ra, dù không ai bảo ai nhưng trước tình cảnh đó tất cả đều muốn chung tay, góp một phần công sức của mình để giúp đỡ người dân vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn.
Người ít, người nhiều và sự hỗ trợ ấy đã lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết của tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Em Ngô Phương Anh, học sinh lớp 10CV, trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) mang heo đất tiết kiệm gửi ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 gây ra |
Trong số đó, có những em là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn sẵn sàng lấy tiền dành dụm, tiền ăn sáng của mình để ủng hộ đồng bào khó khăn. Số tiền tuy ít nhưng tình cảm thì thật xúc động, bởi hơn hết, nó thể hiện một điều rằng thế hệ trẻ tương lai của chúng ta đang được giáo dục tốt.
“Con chưa kiếm được nhiều tiền, số tiền nhỏ này mong được trao tặng những cái bánh mì ăn sáng cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bão Yagi”, một bạn trẻ ủng hộ 50.000 đồng kèm lời nhắn thân thương.
Tương tự: “Cháu là học sinh, không có nhiều tiền nhưng vì yêu nước và yêu dân tộc nên cháu vẫn ủng hộ cho mọi người ở miền Bắc qua khỏi thiên tai. Mong mọi người bình an”; “Cháu đi học không có nhiều tiền, của ít lòng nhiều, quyên góp ủng hộ mọi người ạ”; “Cháu xin góp một phần nhỏ công sức của mình cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam và mọi người dân chung tay giúp đồng bào ta đang gặp khó khăn trong khoảng thời gian này”… Đó là những lời nhắn chân thành và cảm động được các bạn trẻ gửi gắm tình yêu thương đến bà con vùng lũ.
Học sinh TP Hồ Chí Minh quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ |
Bên cạnh những đóng góp bằng tiền và nhu yếu phẩm thiết yếu, các hoạt động thiện nguyện khác như: Tham gia hỗ trợ người dân dọn dẹp đường xá, nhà cửa, vệ sinh môi trường, xây dựng lại nhà, sửa chữa xe máy miễn phí cho người dân vùng lũ… cũng được các tình nguyện viên thuộc các đội, nhóm tình nguyện trên mọi miền Tổ quốc tích cực tham gia hỗ trợ.
Chẳng hạn như câu chuyện của nhóm thợ sửa xe lành nghề đến từ Thanh Hóa làm việc không kể ngày đêm thay dầu nhớt và sửa chữa xe máy miễn phí cho bà con vùng lũ ở Yên Bái. Hay việc hỗ trợ gián tiếp của các chủ nhà hàng, khách sạn thông qua việc mở quán ăn “0 đồng”, nhà nghỉ “0 đồng”… nhằm giúp đỡ các đoàn tình nguyện viên tham gia cứu trợ tại miền Bắc. Những hành động ý nghĩa này đã nhận về nhiều lời khen từ cộng đồng.
Những thợ sửa xe máy của Hội Kỹ thuật xe máy Thanh Hóa sửa xe miễn phí cho người dân |
“Cú tát” cho những thanh niên thích “phông bạt”
Những ngày qua, từ “phông bạt” được người ta nhắc đến rất nhiều. Chủ yếu sau sự việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố danh sách những tập thể, cá nhân quyên góp ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ đã lộ ra rất nhiều cá nhân, tổ chức “khai khống” con số thực tế mình quyên góp lên gấp hàng chục lần chỉ để đánh bóng tên tuổi, “sống ảo” trên mạng xã hội.
Hay có những người trực tiếp đi làm cũng vậy, phần lớn thời gian họ dành ra để chụp ảnh, quay phim những việc họ làm, như một cách làm tăng thêm độ “uy tín” trước cộng đồng về việc làm “từ thiện” của mình.
Cộng đồng mạng chắc hẳn còn nhớ câu chuyện của một TikToker có tên Nờ Ô Nô đi làm thiện nguyện nhưng với thái độ bỡn cợt, có lời lẽ khinh thường người lớn tuổi. Sự việc sau đó đã nhận “gạch đá” và sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng mạng, thậm chí kêu gọi tẩy chay. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.Nói vậy để thấy được câu chuyện nào cũng đều có mặt trái, từ thiện cũng vậy, không phải lúc nào cũng giản đơn và ấm lòng. Nhất là trong thời đại 4.0, mạng xã hội là thứ rất khó để kiểm soát…
Những hành động ý nghĩa của những em bé dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng tâm luôn vẫn hướng mình về đồng bào miền Bắc khi bị lũ lụt |
Hoạt động thiện nguyện không chỉ có ý nghĩa với người nhận mà còn với cả người trao đi. Ngoài việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trong cuộc sống này, hoạt động thiện nguyện còn giúp người thực hiện hình thành nhân cách lương thiện, để họ trở nên tốt đẹp, tử tế hơn. Ngược lại, khi sự lương thiện bị lợi dụng, làm điều tốt nhưng cũng vì mục đích vụ lợi riêng thì đó cũng là lúc những giá trị đạo đức bị đảo lộn.
Chia sẻ về công tác thiện nguyện, một bạn trẻ trong nhóm cho biết, làm từ thiện nên tuân thủ phương châm: “Thái độ, lời nói và hành động”, thiếu một trong ba yếu tố này, từ thiện khó đạt được giá trị nhân văn tốt đẹp.
Ngoài ra, làm từ thiện không nên đại trà mà cần tập trung vào yếu tố chất lượng. Những người có kinh nghiệm lâu năm cũng nên hướng dẫn, định hướng cho lớp trẻ để họ noi bước; giúp lan tỏa những điều tốt đẹp từ hoạt động thiện nguyện.
Từ thiện tức là làm việc tốt bằng lòng yêu thương. Nó xuất phát từ tấm lòng, không phải việc làm bắt buộc, vậy nên “của cho không bằng cách cho”. Nếu đã chọn cách cho đi thì hãy cho bằng cả tấm lòng.