Gieo trồng rau vụ đông: Bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thị trường

Hiện nay, cùng với lượng phù sa được bồi đắp, nguồn sâu bệnh trong đất cũng giảm nên nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tranh thủ tăng tốc xuống giống rau vụ đông.

Với tiến độ khôi phục sản xuất rau hết sức khẩn trương sau cơn bão số 3, ngành Nông nghiệp sẽ bảo đảm nguồn cung nông sản, nhất là các loại rau, củ, quả cho người tiêu dùng Thủ đô dịp cuối năm.

kiem-tra-tinh-hinh-san-xuat.jpg

Kiểm tra tình hình sản xuất rau vụ đông tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Phạm Tuấn

Tăng hơn 5.000ha rau vụ đông so với kế hoạch

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, với tổng diện tích sản xuất vụ đông 200ha, đến thời điểm này, sau thiệt hại của bão số 3, bà con đã khôi phục sản xuất được khoảng 150ha, còn 50ha đang được nông dân tích cực gieo trồng, dự kiến phủ kín trong tháng 10. Trà rau gieo trồng lại sau bão (25 ngày) đã cho thu hoạch. Hiện, lứa rau ăn lá (cải ngọt, cải canh, cải ngồng…) cũng bắt đầu cho thu hoạch, giá bán ở mức 8.000-10.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân, đáp ứng nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô. Vụ đông này, với tốc độ sản xuất rau như hiện nay, đơn vị đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường 30.000 tấn rau các loại...

Tương tự, theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn xã bị thiệt hại hơn 288ha trồng rau màu, hoa cây cảnh, cây ăn quả các loại. Để khắc phục, nhân dân trong xã tổ chức dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, tập trung gieo trồng các loại rau ngắn ngày trên tổng diện tích hơn 40ha.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, vừa qua, bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn kéo dài, ngập úng nghiêm trọng tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhiều diện tích lúa vụ mùa và hoa màu bị hư hại. Để khẩn trương khôi phục sản xuất, Sở NN&PTNT chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, hướng dẫn người dân biện pháp khắc phục. Trong đó, khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa bị đổ ngã và rau màu bị ngập úng có khả năng thu hoạch, giải phóng đất để trồng cây vụ đông sớm. Toàn thành phố gieo trồng khoảng 35.000ha cây vụ đông, tăng 5.000ha so với năm 2023.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương tận dụng lợi thế để mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông, bố trí cây trồng theo nguyên tắc: Vùng đất màu thực hiện đa dạng cây trồng, tăng nhanh hệ số quay vòng cây trồng trên đơn vị diện tích, sản xuất tập trung các cây rau, củ, quả truyền thống như rau ăn lá, cà chua, đậu đỗ... Với vùng đất 2 lúa, nông dân tập trung sản xuất cây hàng hóa phục vụ chế biến; bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý từng vùng sản xuất: Vùng sản xuất đậu tương (7 huyện), ngô (10 huyện), khoai tây (10 huyện), khoai lang (4 huyện), lạc (3 huyện), rau tại (6 huyện).

 

“Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông toàn thành phố đạt khoảng 60-70% so với kế hoạch. Qua đó, bảo đảm tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, ổn định nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm”, bà Lưu Thị Hằng cho biết thêm.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, các địa phương cần phân công cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời đối tượng dịch hại, không để lây lan diện rộng. Đối với bệnh mốc sương, tổ chức phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng thuốc chứa hoạt chất Azoxystrobin, Propineb và các hoạt chất khác. Với bệnh héo xanh vi khuẩn trên cây cà chua, khoai tây, cần thường xuyên kiểm tra ruộng, phát hiện cây bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi bột xung quanh gốc cây bị bệnh; với ruộng nhiễm bệnh, không tưới tràn, không vứt cây bệnh bừa bãi trên ruộng hoặc xuống nguồn nước tưới, tránh lây lan trên diện rộng; không phun thuốc phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trong vụ đông, trên nhóm rau cải cần đặc biệt quan tâm phòng trừ bọ nhảy; nhóm cây họ cà (cà chua, khoai tây…) phòng bệnh sương mai và nhện nhỏ gây hại; nhóm họ bầu bí thường bị bệnh phấn trắng; nhóm họ cà rốt thường bị bệnh tuyến trùng...

Đối với cây ngô vụ đông, sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Nông dân cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng loại thuốc ít độc, thời gian cách ly ngắn, thuốc sinh học, thảo mộc và bảo đảm thời gian cách ly đối với từng loại thuốc; cần sử dụng luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật để tránh hình thành tính kháng thuốc của sâu hại.

Mới đây, khi kiểm tra công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Như Cường đánh giá, đất đai sau nước lũ có nhiều thuận lợi như tăng hàm lượng phù sa nhưng cũng phát sinh một số loại sâu bệnh mới. Do đó, nông dân cần lưu ý biện pháp bảo vệ cây trồng. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ thời tiết để khuyến cáo nông dân chủ động trong sản xuất, thu hoạch rau màu đúng thời vụ nhằm đạt năng suất, chất lượng, giá trị cao nhất; tăng cường điều tra dự tính, dự báo, xác định mật độ, tỷ lệ hại từng đối tượng trên các loại cây trồng để có biện pháp chỉ đạo cụ thể; hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.

Vụ đông là vụ gieo trồng chính của các địa phương và là thời điểm tiêu thụ nông sản cao nhất trong năm. Với quyết tâm cao của các địa phương, trong đó có Hà Nội, chắc chắn nguồn cung rau xanh dịp cuối năm nay sẽ rất dồi dào.

 
Lượt xem: 4
Nguồn:hanoimoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...