Đồ chơi Trung thu truyền thống "lên ngôi", thu hút giới trẻ
Những ngày này, các khu phố chuyên bày bán đồ chơi ở Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Gai, Hàng Rươi,... đang ngập tràn những sắc màu rực rỡ bởi các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Đáng nói, các loại đồ chơi truyền thống như như mặt nạ chú Tễu, đèn kéo quân, trống bỏi, đèn ông sao... được bày bán ở hầu hết các cửa hàng, thu hút sự chú ý của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Đa dạng mẫu mã, màu sắc
Chỉ còn chưa đến một tuần nữa là đến Tết Trung thu, trên tuyến phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội) đã tràn ngập sắc đỏ của các món đồ chơi Trung thu với đa dạng mẫu mã, chủng loại.
Trong đó, các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống như mặt nạ bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, trống,… thu hút được rất nhiều khách mua. Bởi vậy, các tiểu thương tại đây cũng ưu tiên dành phần lớn gian hàng để bày bán đồ chơi Trung thu truyền thống.
Để thu hút được lượng khách lớn như vậy, những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã có những điểm đổi mới với giao diện đẹp mắt hơn. Có thể kể đến những chiếc đèn lồng được làm từ nguyên liệu đơn giản như thanh tre, hồ dán, giấy, giấy bóng kính đã được tạo hình thù đẹp mắt là con vật ngộ nghĩnh, có gắn đèn và nhạc bên trong. Giá thành của mặt hàng này cũng khá hợp lí.
Các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống ngày càng thu hút nhiều khách mua |
Cụ thể, các laoij đồ chơi truyền thông như: Đèn thủ công có giá chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng/cái; Đèn ông sao có giá từ 10.000 - 30.000 đồng/cái; Chuồn chuồn tre cân bằng có giá từ 8.000 - 20.000 đồng/con; Mặt nạ cứng chú tễu có giá 50.000 - 90.000 đồng/chiếc; Mặt nạ ông địa múa lân có giá từ 60.000 - 85.000 đồng/chiếc; Đầu ông địa người lớn có giá từ 220.000 - 250.000 đồng/đầu; Trống lân trẻ em bằng gỗ mini có giá từ 75.000 - 95.000 đồng/bộ; Trống lắc tay có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/cái;...
Đặc biệt, không ít tiểu thương đã chịu khó lặn lội về tận các làng nghề để đặt mua những món đồ độc, lạ. Anh Vũ Đức Tiến, một tiểu thương ở phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm cho biết, trước Tết Trung thu khoảng ba tháng, anh đã về tận làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) để đặt làm lô hàng mặt nạ giấy bồi đem về bày bán ở Hà Nội.
“Mặt nạ giấy bồi ở làng Ông Hảo làm thủ công 100%, được các nghệ nhân vẽ tay tỉ mỉ từng chi tiết tạo hình nên khác hẳn các loại mặt nạ nhựa hình thù hoạt hình của Trung Quốc. Tuổi thơ của tôi đã được ngắm nhìn những đồ chơi truyền thống đẹp đẽ, mộc mạc như thế này nên cũng muốn các cháu được vui chơi theo cách hồn nhiên, giản dị như vậy”, anh Tiến bộc bạch.
Được biết, mặt nạ giấy bồi đang được anh Tiến và nhiều hộ kinh doanh bày bán trên phố Hàng Mã đều mô phỏng theo các nhân vật trong đời sống, văn học dân gian xưa như Thị Nở, Chí Phèo, chú Tễu, thằng Bờm, 12 con giáp,... Giá bán dao động trong khoảng từ 35.000 - 50.000 đồng/cái. Còn giá gốc anh nhập khi mua với số lượng lớn từ làng Ông Hảo là khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cái.
Thói quen mua sắm của người dân đang dần thay đổi
Cùng với các loại đồ chơi truyền thống, nhiều mặt hàng đồ chơi nhập ngoại với mẫu mã, màu sắc bắt mắt cũng đang cạnh tranh trực tiếp với đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam.
Hiện trên thị trường đang có một số mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc như đèn nhấp nháy có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/cái, gậy phát sáng có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/cái, lồng đèn phát nhạc chạy bằng pin có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/cái, mặt nạ nhân vật hoạt hình có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cái,... Tuy nhiên, còn tùy vào kích thước đồ chơi và độ “ăn” lãi của từng cửa hàng bán mà giá có thể chênh lệch từ 10.000 - 20.000 đồng.
Bên cạnh đó, nhiều loại đồ chơi hiện đại, có giá nhỉnh hơn cũng được nhiều “thượng đế nhí” ưa chuộng như lắp ráp lego có giá từ 120.000 - 300.000 đồng/bộ; Xe địa hình mini gắn điều khiển từ xa có giá từ 80.000 - 200.000 đồng/chiếc; Đồ chơi dụng cụ nấu ăn có giá từ 85.000 - 160.000 đồng/bộ; Búp bê đồ hàng có giá từ 145.000 - 270.000 đồng/bộ. Cá biệt, với những bộ đồ chơi búp bê cao cấp chính hãng được phân phối từ một số hệ thống bán lẻ nổi danh như My Kingdom hay tiNiStore thì giá bán có thể lên đến từ 2 - 5 triệu đồng/bộ.
Những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã có những điểm đổi mới với giao diện đẹp mắt hơn |
Trước đây, từng có những mùa Tết Trung thu để đồ chơi hàng Tàu "chiếm sóng" thị trường với lý do giá rẻ, tiểu thương nhập về dễ bán; Chưa kể màu sắc sặc sỡ, âm thanh sống động và có nhiều tính năng khác nhắm trúng tâm lý trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, “điểm sáng” của thị trường đồ chơi Trung thu năm nay là các loại đồ chơi truyền thống đang dần được yêu thích trở lại, tâm lý “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần thay đổi nhận thức, hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ trong nước.
Theo đó, nhờ chuyên môn hóa trong sản xuất mà các loại đồ chơi truyền thống ngày càng có nhiều mẫu mã đa dạng, giá bán cạnh tranh và quan trọng hơn cả là vẫn gìn giữ được những giá trị đặc sắc của “hồn cốt” dân tộc.
Nhằm đảm bảo người dân có một mùa vui Tết Trung thu an toàn, lành mạnh, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động quản lý thị trường. Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên đã ký ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, kế hoạch này sẽ được triển khai đến hết ngày 30/9. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi, giáo dục nhân cách trẻ em, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; Từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.