Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
Theo các chuyên gia, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mặc dù cơ quan chức năng đã có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe nên vẫn rất phức tạp.
Các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội. Ảnh: IT
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội vừa tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực an toàn thực phẩm và triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở Y tế Hà Nội báo cáo UBND TP xem xét, đề nghị Thường trực HĐND thành phố chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Cụ thể, mức phạt này sẽ bằng 2 lần mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đây là mức phạt tối đa được quy định tại Luật Thủ đô năm 2024 nhằm tăng tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm.
Mục tiêu là tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao ý thức của các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mặc dù cơ quan chức năng đã có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe nên vẫn rất phức tạp. Do đó, việc ban hành nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; là cơ sở kịp thời để triển khai thi hành Luật Thủ đô. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần quan tâm đến nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đường phố.
Bên cạnh các ý kiến cho rằng, khung xử phạt vi phạm hành chính này là phù hợp với thực tế, thì nhiều ý kiến phản biện cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc tổ chức xử phạt. Trên thực tế các hình thức xử phạt không thiếu, nhưng hiệu quả còn thấp là do khâu tổ chức thực hiện.
Do đó, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ thêm tình hình vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay ở Hà Nội, nhất là về mức độ vi phạm, đồng thời cơ quan chức năng của thành phố cần ban hành phụ lục đi kèm để dễ thực hiện, chú trọng khâu tuyên truyền và tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần thêm những biện pháp thiết thực hơn, như tăng cường tuyên truyền; khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân, nên có hình thức khen thưởng đối với những cá nhân phát hiện hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm các điều kiện để chính quyền cơ sở có đủ sức kiểm tra, giám sát.
Để đảm bảo nghị quyết khi ban hành sớm đi vào đời sống, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội bà Nguyễn Lan Hương đề nghị đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm...
Theo Sở Y tế Hà Nội, những năm qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao. Sở Y tế cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Năm 2023, lực lượng chức năng kiểm tra kiểm tra 86.689 cơ sở, xử phạt vi phạm 10.750 cơ sở với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồngSáu tháng đầu năm 2024, các cơ quan quản lý đã kiểm tra 44.302 cơ sở; qua đó xử lý vi phạm 6.114 cơ sở, phạt hơn 3,8 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không bố trí khu vực sản xuất theo nguyên tắc một chiều; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm đã qua chế biến và chưa chế biến; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm...