Cô bé giành giải “Đại sứ văn hóa đọc” bằng tình yêu của người cha mù
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, từ năm lớp 1 Bùi Thị Thu Nhớ đã trở thành “đôi mắt” dẫn bố đi hát rong để có thêm thu nhập cho cả nhà. Dù bố của Nhớ bị mù nhưng ông lại là người tiếp thêm sức mạnh và đam mê cho con gái theo đuổi đam mê văn học và ca hát. Giải Ba quốc gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" và giải A cuộc thi "Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị" là kết quả cho một hành trình nỗ lực cùng niềm tin về tương lai tươi sáng của bố và Nhớ. Câu chuyện "Cổ tích cho họa mi" sẽ được Thu Nhớ kể lại trong "Trạm yêu thương" lúc 10h00 ngày 27/8 trên kênh VTV1.
Xuất hiện trên sân khấu "Trạm yêu thương", Bùi Thị Thu Nhớ (15 tuổi) gây ấn tượng bởi nụ cười hồn nhiên, trong sáng, đặc biệt là giọng hát thánh thót như họa mi khi em thể hiện ca khúc “Ba kể con nghe” trên sân khấu chương trình. Dù có phần gầy gò và nhỏ bé so với bạn bè cùng trang lứa nhưng Nhớ rất tự tin, hoạt bát khi giới thiệu về bản thân dù đây là lần đầu tiên em xuất hiện trên sóng truyền hình.
Thu Nhớ tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Nhớ hào hứng khoe thành tích mà mình đạt được trong những năm qua và giải thưởng mà em tâm đắc nhất là Giải Ba quốc gia cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Bài thi đó được Nhớ lấy cảm hứng từ bố em. Kể về bố, đôi mắt của cô bé 15 tuổi ánh lên sự tự hào: “Bố em bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc màu da cam thế nhưng, bố rất thích nghe đọc sách, nhất là truyện cổ tích. Tình yêu văn học của em được nhen nhóm từ những lần đọc truyện cho bố nghe”.
Không chỉ đạt giải thưởng về văn hóa đọc, Nhớ còn đạt giải A cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu niên vùng đông Quảng Trị”. Giải thưởng này cũng chính nhờ bố đã truyền cảm hứng cho con gái. Nhớ kể, từ năm 6 tuổi em đã cùng bố đi hát rong. Không nhìn thấy gì nhưng bố em rất đam mê âm nhạc. Thích bài nào là bố nhờ thu âm lại rồi nghe cho bằng thuộc mới thôi. Những lần theo bố đi hát rong, thi thoảng Nhớ cũng được dịp trổ tài. Những năm đi hát rong cùng bố, lời ca tiếng hát về quê hương dần ăn sâu vào tâm hồn cô gái bé nhỏ.
Thu Nhớ và bố của mình |
Lạc quan là thế nhưng ít ai biết rằng gia đình Nhớ thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngoài trợ cấp khuyết tật của bố Nhớ, cả gia đình trông chờ vào từng đồng bạc lẻ từ công việc hát rong. “Mỗi ngày hai bố con em hát được mấy chục bài. Lúc đầu em thấy vui lắm vì kiếm được tiền để mua sách vở và quần áo mới. Có khi bị khách xua đuổi, hoặc gặp bạn bè trong quán ăn, những lời bâng quơ của họ khiến em hơi chạnh lòng” - Nhớ buồn bã chia sẻ. Những lúc như thế, Nhớ càng quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo. Suốt 9 năm liền, em luôn đạt học sinh khá, giỏi toàn diện.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Thu Nhớ ấp ủ ước mơ trở thành luật sư, còn bố em có một mong ước thật giản dị, đó là có một chiếc loa thùng mới để đi hát không gặp khó khăn như trước đây nữa. Món quà từ "Trạm yêu thương" sẽ phần nào giúp gia đình Nhớ san sẻ gánh nặng về kinh tế và giúp em viết tiếp ước mơ đang rộng mở phía trước.
Câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của Thu Nhớ và hành trình lan tỏa tình yêu âm nhạc, văn học của người cha mù sẽ được bật mí trong "Trạm yêu thương" chủ đề “Cổ tích cho họa mi” lúc 10h thứ bảy ngày 27/8 trên kênh VTV1.