Chuyện người bỏ phố về rừng đồng hành cùng động vật hoang dã
Để trở thành cán bộ giáo dục bảo tồn động vật hoang dã như hiện tại với anh Nguyễn Văn Khánh là một chặng đường chông chênh. Tuy nhiên, cuối chặng đường là “quả ngọt” được dung hòa với tình yêu thiên nhiên nuôi dưỡng từ lâu.
Trong chuyến đi thực địa ghi hình cho phóng sự về vượn đen má vàng, tôi gặp anh Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1993), cán bộ giáo dục bảo tồn tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên. Năm 2021, anh bỏ phố về rừng, bắt đầu công việc của một người yêu thiên nhiên.
Anh Nguyễn Văn Khánh kể về các tiêu bản trong bảo tàng |
Trả tự do cho động vật hoang dã
Sinh ra và lớn lên ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), tuổi thơ của anh Khánh gắn liền với nương rẫy và thiên nhiên. Những buổi dạo chơi ngoài đồng, nghe tiếng chim hót, anh thấy hay nên thường bắt về nhà nuôi làm cảnh.
Rồi một ngày, đi học xa nhà trở về, thấy mấy lồng chim vắng đi tiếng hót vì không ai chăm bẵm, anh không chần chừ, quyết định trả tự do cho chúng. Có con, anh được người ta ngã giá mười mấy triệu nhưng vẫn chọn thả, không bán.
Nói về việc này, anh Khánh khẳng khái: “Đơn giản thôi, một người thích sự tự do thì khi con vật được tự do người ta cũng sẽ thích. Bây giờ, mình đang thích sự tự do thì sao cầm tù một con chim để làm thú tiêu khiển cho bản thân được”.
“Anh thấy thương “mấy đứa” thôi. Thấy nó về trung tâm, bị như này như kia nên anh thấy thương. Tái thả được nó, anh khóc mà rất vui”, anh Nguyễn Văn Khánh cho biết. |
Anh kể, gia đình từ Thanh Hóa vào Nam lập nghiệp từ năm 1981. Như bao gia đình lân cận khác, bố mẹ anh cũng từng sống nhờ rừng. Nhờ khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về việc bảo tồn động vật hoang dã được chú trọng đã tác động đến suy nghĩ và hành động, anh Khánh thay đổi tư duy từ đó.
Theo anh, xóm làng chỉ cần có một người làm trong lĩnh vực bảo tồn là sẽ có tác động “cực lớn” đến gia đình và người xung quanh. Điển hình, bố mẹ anh hiện tại đều nói không với động vật rừng. Anh họ, cũng là hàng xóm của anh khi thấy trăn vào nhà, thay vì bán hay “thịt” như trước đã chọn tự nguyện giao nộp để thả về rừng. Thấy cháu nhỏ đòi nuôi con trăn, anh thuyết phục: “Cháu không được nuôi. Cháu mà nuôi động vật hoang dã là cháu cầm tù nó”.
Thấy anh thích tự do, có lần một hướng dẫn viên du lịch gợi ý cùng đi dẫn tour. Một lần đi như thế, thù lao nhận được có khi gần bằng cả tháng lương hiện tại nhưng anh từ chối. “Anh đang vui vẻ ở đây. Với lại, anh cảm thấy bây giờ như thế là đủ rồi. Không phải anh không có chí tiến thủ nhưng để làm ra được đồng lương như thế, giá trị của mình cũng phải tương đương”, anh Khánh kể lại.
Dẫn chúng tôi đi một vòng Bảo tàng thiên nhiên Cát Tiên, anh Khánh vừa kể chuyện, vừa phân tích cách các anh đang làm giáo dục về bảo tồn động vật hoang dã. Mỗi động vật hoang dã mất đi sẽ được bảo quản, xử lý để trở thành “đại sứ” nói lên mức độ nguy cấp của loài.
Có con về trung tâm trong tình trạng bị thương nặng, không cứu sống được; có con chết yểu do con bố và mẹ giao phối cận huyết, vì không có sự chọn lọc trong tự nhiên. Anh nói, mỗi con vật trong bảo tàng là một câu chuyện có thể kể cả ngày chẳng hết được.
Được trò chuyện với các bạn trẻ là điều anh Khánh thích nhất khi làm công tác giáo dục bảo tồn |
Thương động vật hoang dã
Nhớ lại ngày trước, khi tốt nghiệp phổ thông, cậu học trò năm nào bắt đầu loay hoay với ước mơ của mình. Không đỗ vào các ngành Quân đội, Công an, anh bắt đầu hành trình mưu sinh của một người công nhân. Đến Tết năm 2015, được bố mẹ khuyên đi học tiếp, anh chọn ngành Quản lý Tài nguyên tại trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Phân hiệu Đồng Nai để theo học.
Hành trình làm sinh viên bắt đầu năm anh Khánh 22 tuổi. Tốt nghiệp xong, anh đầu quân cho một công ty lâm nghiệp tại TP HCM. Công việc của anh thường xuyên phải xử lý số liệu, tổng hợp thông tin về các loại lâm sản được phép trồng. Dù xin được học bổng du học ngành Lâm sinh quản lý tài nguyên ở Trung Quốc nhưng anh bỏ ngỏ, muốn học từ thực tế nhiều hơn vì tuổi đã gần chạm mốc 30.
Rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ở khu cách ly nửa tháng trời, không người thân ở gần khiến anh tủi một thì lo cho ba mẹ già ở quê mười. Anh quyết định về nhà, xin làm Kiểm lâm tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Làm được một năm, anh được điều chuyển sang làm tại Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật.
Anh Khánh kể, ban đầu anh làm kiểm lâm vì muốn là người thực thi pháp luật để bảo vệ rừng. Những lần tuần tra, gỡ bẫy, nhìn thấy con vật bị thương đã dấy lên trong anh mong muốn làm cứu hộ, chăm sóc các loài động vật hoang dã, đặc biệt là giáo dục bảo tồn các loài ấy.
Khi được hỏi về điều anh thích nhất khi làm công việc này, đôi mắt anh ánh lên những nỗi niềm. Anh nghẹn ngào: “Mình vui nhất là được nhìn thấy một cá thể từ rất yếu ớt, tưởng chừng như sẽ không thể phục hồi, sau đó góp công sức vào chăm sóc. Rồi sau này, mình nhìn tận mắt nó leo lên cái cây chẳng hạn. Lúc đó, mình vui nhất!”.
Anh Khánh cùng đồng nghiệp tái thả chim cổ rắn về tự nhiên |
Lý giải về sự nghẹn ngào, người cán bộ bảo tồn nói: “Anh thấy thương “mấy đứa” thôi. Thấy nó về trung tâm, bị như này như kia nên anh thấy thương. Tái thả được nó, anh khóc mà rất vui”.
Với cán bộ bảo tồn, công việc hiện tại đã đủ khiến anh thấy hạnh phúc, dù mức lương chẳng bì được so với công việc trước kia.
Tốt nhất cho động vật hoang dãỞ Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, trăn trở chung của các cán bộ là làm sao tìm ra phương pháp, cách chăm sóc tốt nhất cho các loài động vật hoang dã được tiếp nhận. Anh Khánh cũng không ngoại lệ. “Anh Khánh là người có trách nhiệm. Trong quá trình công tác, anh đã luôn tìm tòi và phát triển thêm kiến thức hoàn thiện công việc tốt hơn. Những ngày đầu mình làm việc ở đây, khi có thắc mắc hỏi hai anh Khánh thì được giải đáp rất chi tiết, chuẩn xác”, chị Trần Thanh Vy, nhân viên truyền thông tại Vườn quốc gia Cát Tiên chia sẻ. |