Chủ tịch NSJ phủ nhận chi hơn 30 tỷ đồng cho lãnh đạo Sở GD Quảng Ninh

Cựu giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cùng 2 thuộc cấp khai được chủ tịch NSJ Group chi tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng để cảm ơn. Tuy nhiên, bà Nga phủ nhận lời khai của họ.

Trong vụ sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc bị can Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu cùng với bị can Vũ Liên Oanh.

Theo kết luận, sau khi được bà Oanh chỉ đạo tạo điều kiện cho tham gia đấu thầu dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục, bà Nga đã yêu cầu nhân viên thực hiện quy trình 93 bước, nâng giá thiết bị, lập hồ sơ dự thầu và làm hồ sơ "quân xanh", chi tiền lại quả.

Để dễ dàng trúng thầu, NSJ Group đã tặng thí điểm thiết bị, dụng cụ học tập cho một số trường học với mức giá đã được nâng khống. Sau đó, doanh nghiệp này cùng Sở GD&ĐT Quảng Ninh lập dự án, hoàn thiện hồ sơ trúng thầu.

Hoang Thi Thuy Nga anh 1

Bà Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên xử vụ AIC.

Cơ quan điều tra cho rằng với những hành vi trên, các công ty do bà Nga chi phối đã trúng liên tiếp 6 gói thầu ở giai đoạn 2016-2019, với tổng trị giá trên 636 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không đủ căn cứ xác định hậu quả thiệt hại của 4 dự án (từ năm 2016 đến 2018), cơ quan tố tụng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với 15 bị can tại 2 dự án mầm non và dự án tiểu học năm 2019. Tổng giá trị 2 gói thầu mua sắm này là hơn 323 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bà Hoàng Thị Thúy Nga thừa nhận từ năm 2016 đã gặp, thống nhất với các bị can Vũ Liên Oanh, Ngô Vui (cựu Trưởng phòng Tài chính) để cho nhân viên công ty của Nga phối hợp với cán bộ Sở lập 6 dự án, các thủ tục đấu thầu rồi trình một số Sở, ban, ngành thẩm định, phê duyệt.

Bà Nga khai mục đích của những việc làm trên là để Công ty NSJ được trúng thầu, bán sản phẩm thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo đúng danh mục, giá thiết bị do công ty cung cấp.

Về việc đấu thầu, bà Nga cho rằng theo thủ tục đấu thầu trực tiếp không qua Internet, thì phải có ít nhất 3 nhà thầu tham dự. Do đó, Nga chỉ đạo Trần Ngọc Thắng (Tổng giám đốc Công ty MQF) và một số bị can khác sử dụng các công ty "quân xanh" cùng tham dự đấu thầu, đảm bảo đủ số lượng tham dự và bị loại khi chấm thầu.

Chủ tịch NSJ nói do có mối quan hệ quen biết hoặc nể nang Nga, những công ty trên đồng ý tham gia dự thầu giúp khi cấp dưới của Nga đề nghị, mà không được hưởng lợi gì. Bản thân bà Nga là người quyết định giá tham dự thầu của Công ty NSJ và các công ty được mượn pháp nhân.

Đối với việc nâng giá thiết bị giáo dục qua các công ty trung gian, bà Nga khai năm 2016, Công ty NSJ bị mất tiền vì chuyển thanh toán quốc tế cho công ty khác, nên từ năm 2017, bà này chỉ đạo cấp dưới liên hệ mua hàng qua các công ty trung gian, đại lý phân phối của các hãng tại nước ngoài.

Hoang Thi Thuy Nga anh 2

Bà Oanh và 2 cựu cán bộ Sở GD&ĐT Quảng Ninh. Ảnh: Bộ Công an.

"Về việc đưa tiền cho Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long, Nga không thừa nhận hành vi đưa tiền để cảm ơn cho các cá nhân trên vì đã tạo điều kiện để Công ty NSJ trúng thầu, bán được các thiết bị giáo dục cho Sở GD&ĐT", kết luận điều tra nêu.

Trong khi đó, bị can Vũ Liên Oanh khai bà Nga có 4 lần đưa tổng số tiền 14 tỷ đồng để cám ơn sau khi doanh nghiệp trúng các gói thầu. Bị can Ngô Vui khai được bà Nga đưa 14,8 tỷ đồng. Còn bị can Hà Huy Long thừa nhận đã cầm gần 1,9 tỷ đồng từ bà Nga.

Kết quả kiểm tra dữ liệu từ thuê bao di động của bà Nga xác định trong tháng 1/2018 và tháng 1/2019, bà này có mặt ở TP Hạ Long. Đến ngày 10/1/2020, bà Nga đến Hạ Long và liên lạc điện thoại với bà Oanh. Một tuần sau đó, bà Nga tiếp tục có mặt ở thành phố này và liên lạc điện thoại với ông Long.

Các dữ liệu trên phù hợp với lời khai của các bị can Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long và người liên quan. Do đó, cơ quan điều tra cho rằng có đủ căn cứ để kết luận về hành vi đưa - nhận tiền.

Lượt xem: 17
Tác giả: Hoàng Lam