Cần sớm thay thế các quy định đã tồn tại gần 40 năm
Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội vừa có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành thông tư thay thế Thông tư từ năm 1988 - cách đây gần 40 năm - của Bộ này hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông để phù hợp với tình hình thực tế.
Một thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh mà gần 40 năm chưa được thay thế hóa ra là… có thật. Đó là Thông tư 08/1988 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) vẫn được các trường áp dụng ở một số trường hợp. Trong khi đó, giáo dục đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc xử lý các học sinh có hành vi đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác… trong đời sống và trên không gian mạng.
Thực tế thì trong suốt 40 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh như Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành cùng Thông tư số 32/2020. Thế nhưng chưa có văn bản nào thay thế, hoặc bổ sung sửa đổi Thông tư 08/1988.
Bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận thấy Thông tư 08/1988 có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nên đã nhiều lần xây dựng dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế.
Tại các dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vấn đề bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Chẳng hạn như quy định giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa khuyết điểm. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp dưới đây để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như: Khuyên bảo, động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho học sinh.
Với học sinh mắc khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, vi phạm nội quy nhà trường, các quy chế, quy định của ngành Giáo dục, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực nêu trên hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 là “đuổi học một năm”, nhưng trong dự thảo thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn hai tuần đối với những vi phạm như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác…
Đáng tiếc là, qua nhiều lần dự thảo, thông tư thay thế Thông tư 08 vẫn… chưa được ban hành, tạo ra sự lúng túng trong khen thưởng, kỷ luật học sinh, đồng thời có thể ảnh hưởng tới mục tiêu về một nền giáo dục tiến bộ và nhân văn hơn.