Cần bổ sung quy định phòng cháy chữa cháy với chung cư cao tầng

Hiện nay, nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo...

Sáng 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nhiều chung cư cao tầng lâu năm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định phòng cháy chữa cháy đối với chung cư cao tầng, bởi vì nhiều chung cư cao tầng đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp dễ xảy ra cháy nổ…

Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Do đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhân dân.

Cần bổ sung quy định về phòng cháy chữa cháy với chung cư cao tầng
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên)

Ngoài ra, theo đại biểu Luyến, thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra.

Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.

Theo đó, cần bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình.

"Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra", đại biểu Luyến chia sẻ.

Cần phân công rõ trách nhiệm trong phòng cháy chữa cháy

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) bày tỏ cơ bản đồng tình với các nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cho rằng dự thảo lần này đã thể hiện được tinh thần đổi mới trong tư duy xây dựng luật.

Cần bổ sung quy định về phòng cháy chữa cháy với chung cư cao tầng
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình)

Quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho biết, Điểu 7 của dự thảo luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Đồng thời tại khoản 4, Điều 37 quy định Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Theo đại biểu, giữa các quy định của dự thảo luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ mà không cần thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cũng nạn, cứu hộ chuyên ngành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất…

Về ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 50), đại biểu cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước, lĩnh vực “quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng là một trong các nội dung thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Do đó, đại biểu cho rằng, không cần thiết phải quy định “trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của UBND các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” tại khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc quy định này.

Ngoài ra, đại biểu lưu ý, dự thảo Luật có nhiều nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết. Vì vậy, để đảm bảo khi luật có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng được ngay, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị sớm dự thảo Nghị định quy định chi tiết và ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 4
Tác giả: Thành Nhân
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...