Buôn bán, sử dụng pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương liên tiếp phát hiện các vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ. Ví như gần đây, tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 4-12, Công an huyện Di Linh bắt quả tang Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1995; ngụ tại thôn 5, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh) đang vận chuyển 5 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng hơn 8kg trên xe gắn máy. Khám xét nơi ở của Hùng, lực lượng công an phát hiện thêm 3 bao tải đựng gần 100kg pháo hoa nổ.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, sau khi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, không ít người dân lầm tưởng được sử dụng cả pháo hoa nổ.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, loại pháo hoa người dân được phép sử dụng là: Sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, pháo hoa người dân được phép sử dụng là loại pháo chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc và không gây ra tiếng nổ. Pháo hoa nổ được xếp vào nhóm pháo nổ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng. Việc sử dụng pháo hoa nổ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt. “Người dân cần đến các địa điểm, cơ sở được phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa để mua đúng loại pháo hoa được phép sử dụng. Hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ (trong đó có pháo hoa nổ) là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trong đó, người vi phạm có thể chịu mức án tới 15 năm tù nếu vi phạm quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo.