Bộ Công an nêu giải pháp chống tội phạm lừa đảo qua mạng

Bộ Công an sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như huy động vốn, kinh doanh bất động sản, đầu tư tiền ảo, đa cấp.

Bộ Công an cho hay gần đây, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, trong đó có giả danh cán bộ công an, tòa án, lừa trúng thưởng... Tuy nhiên, khi tố giác loại tội phạm này, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp hình ảnh, ghi âm, video... có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội.

Giải đáp thắc mắc trên, Bộ Công an chỉ ra bị hại chủ yếu là người ít cập nhật thông tin, thiếu ý thức cảnh giác, không có kiến thức bảo mật thông tin hay hiểu biết về các hoạt động tố tụng.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Internet, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 21 ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2020 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 5.600 vụ, hơn 5.600 người liên quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lua dao qua mang anh 1

Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKS để gửi cho nạn nhân.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà chức trách dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo qua mạng sẽ diễn ra phức tạp. Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nhất là lừa đảo qua mạng).

Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với các ban, bộ, ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước rà soát phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: Đầu tư huy động vốn, kinh doanh bất động sản, cho vay qua app, vay ngang hàng, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền ảo...

Để tránh bị lừa, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai không quen biết, hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp tin nhắn vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền hoặc mượn tài khoản ngân hàng, người dân tuyệt đối không làm theo. Người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội...

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân không nên tỏ ra lo sợ, cần nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Nếu nghi ngờ ai đó hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân có thể thông báo cho công an địa phương, hoặc tố giác tội phạm với cơ quan chức năng.

Lượt xem: 11
Tác giả: Hoàng Lam
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...