19 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng

Trong 19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 10 trường hợp bị xử lý hình sự, một người bị cách chức, 5 người bị cảnh cáo, 3 người bị khiển trách.

Những con số này được đề cập trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, vừa được Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước", là nhận định khái quát được Chính phủ đề cập trong báo cáo.

74 cán bộ kê khai tài sản không trung thực

Trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 đơn vị về công khai, minh bạch và phát hiện 98 trường hợp vi phạm.

Kiểm tra tại gần 7.000 đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử, các cơ quan đã xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021). Đặc biệt, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị với số tiền hơn 135 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Trong kỳ báo cáo, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Với chủ trương lựa chọn ngẫu nhiên, các cơ quan đã xác minh tài sản, thu nhập của hơn 7.600 cán bộ, công chức. Qua đó phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định. Những trường hợp này đã được chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Cũng trong năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức một người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 trường hợp.

"Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách", theo nhận định của Chính phủ.

Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại.

Báo cáo chỉ ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Một số nơi còn thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Trong khi đó, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều sai phạm bị hợp thức hóa, tiêu hủy chứng cứ

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực có tính chất phức tạp, nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn nên có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng; tội phạm thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới bị phát hiện nên nhiều nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Thời gian tới và trong năm 2023, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh…

Chính phủ khẳng định sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác này.

Lượt xem: 87
Tác giả: Hoài Thu