‘Cú lừa’ của Amazon: Bao bì ‘có thể tái chế’ chôn mình ở bãi rác bất hợp pháp, bốc mùi khó ngửi khi đốt
Cuộc điều tra phát hiện nhiều túi nhựa và một số loại bao bì khác của Amazon hiện có mặt tại 6 bãi rác bất hợp pháp ở thị trấn xa xôi Muzaffarnagar (Ấn Độ).
Tuy nhiên, theo Bloomberg, đó không hẳn là lỗi của Amazon. Không ít người lầm tưởng rằng những bao bì được dán nhãn có thể tái chế hoặc có logo tái chế ba mũi tên là an toàn để tái chế ở mọi nơi nhưng phần lớn các nhà tái chế của Mỹ không thể xử lý nhựa mềm.
Do đó, bao bì nhựa của Amazon, thường bị lẫn vào rác thải giấy được vận chuyển đến các quốc gia có quy định xử lý lỏng lẻo hơn. Đó là lý do tại sao nhựa có thể gây ô nhiễm ở một nơi ở bên kia Trái Đất.
Laurie Smyla – một người sống không xa một khu tái chế rác thải nhựa ở Ấn Độ, cho biết: “Tôi cảm thấy bị phản bội với tư cách là một người tiêu dùng. Biểu tượng tái chế đó chỉ là chiêu trò marketing. Tôi cảm thấy như lừa đảo vậy. Những thứ này không nên gây ảnh hưởng đến người khác ở một nơi khác trên thế giới”.
Người này cho biết thêm, nơi tập kết gần nhà anh tràn ngập các bao bì màu xanh và trắng của Amazon và chúng phát ra mùi khó chịu. “Chúng tôi không thể chịu được mùi rác ngay cả khi đóng chặt cửa. Sống gần đây thật kinh khủng nhưng chúng tôi không thể làm gì khác”, anh phàn nàn.
Cư dân của Muzaffarnagar nói với Bloomberg rằng họ biết khi nào nhựa bị đốt trong lúc họ đang ngủ vì thời điểm thức dậy, họ sẽ thấy những lớp tro bao phủ ruộng bậc thang và hoa màu của mình.
Giám đốc y tế của Muzaffarnagar cho biết ô nhiễm không khí và việc đốt nhựa có liên quan đến sự gia tăng 30% các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản ở cư dân thị trấn, Bloomberg đưa tin.
Theo Bloomberg, thông thường, rác thải được chuyển từ quốc gia giàu có sang những nước kém phát triển hơn với sự giúp đỡ của người môi giới thu phí vứt rác hoặc mua rác với giá rẻ để bán qua biên giới. Những nhà môi giới này bị cáo buộc có liên kết với băng nhóm tội phạm và những kẻ lừa đảo.
Phát hiện của Bloomberg được đưa ra 3 năm sau khi chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa do tình trạng thiếu rác thải của nước này, tờ India Times đưa tin.
Những phát hiện của Bloomberg đã đặt ra thách thức đối với các cam kết bền vững của Amazon nhằm tăng khả năng tái chế của các gói hàng và giảm chất thải. Năm ngoái, công ty đã tạo ra hơn 300.000 tấn chất thải bao bì nhựa, theo báo cáo của nhóm môi trường quốc tế Oceana. Ngoài ra, gã khổng lồ này đã sử dụng 97.222 tấn nhựa sử dụng một lần trên khắp các trung tâm thực hiện toàn cầu.
Vào năm 2021, Amazon đã công bố chương trình bán các mặt hàng bị trả lại và đã qua sử dụng để ngăn hàng triệu sản phẩm kết thúc số phận trong bãi rác.
Mặc dù Amazon không phản hồi yêu cầu bình luận của Business Insider về việc bao bì của họ được tìm thấy ở Muzaffarnagar nhưng một phát ngôn viên của công ty cho biết họ "cam kết giảm thiểu chất thải và giúp khách hàng tái chế bao bì”.
Người này nói: “Kể từ năm 2015, chúng tôi đã đầu tư vào vật liệu, quy trình và công nghệ giúp giảm 38% trọng lượng bao bì trên mỗi lô hàng và loại bỏ hơn 1,5 triệu tấn vật liệu đóng gói”.