Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng: Tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất

Mặc dù có nhiều biến động về thị trường, song xuất khẩu (XK) thủy sản tăng trưởng ấn tượng, với trên 42% trong tháng 2/2025. Trong đó, XK tôm rất thuận lợi, tăng trưởng mạnh, tiếp tục là điểm sáng lớn nhất.

 

Tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,39 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8% (Ảnh minh hoạ)

Tôm tiếp tục là điểm sáng

Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và XK Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), số liệu thống kê tháng 2/2025, tổng kim ngạch XK thuỷ sản Việt Nam đạt 655,2 triệu USD, tăng trưởng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 2 tháng đầu năm, theo bà Lê Hằng Giám đốc truyền thông (VASEP), XK thuỷ sản Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực với tổng kim ngạch đạt hơn 1,42 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Ba thị trường tiêu thụ hàng thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, chiếm thị phần lần lượt là 23,3%, 15,5% và 13,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị XK hàng thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng tới 80,8%.

Tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,39 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8%. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch XK tôm đạt 231,41 triệu USD, tăng 33,9%. Sự phục hồi này cho thấy ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023-2024, đã đem đến niềm tin vào ttriển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan.

EU hiện là thị trường đáng chú ý với lượng nhập khẩu tôm chân trắng tươi đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng đạt 376.875 tấn trong năm 2024, tăng 4% so với năm 2023. Xu hướng tăng trưởng dài hạn rõ ràng khi lượng nhập khẩu năm 2024 cao hơn 26% so với năm 2019, chủ yếu nhờ sự đóng góp từ Ecuador (tăng 78%) và Ấn Độ (tăng 47%). 

Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi một phần trong nguồn cung sang EU, củng cố vị thế trong nhóm các nhà cung cấp hàng đầu. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ đòi hỏi Việt Nam phải tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường để duy trì lợi thế. 

Thị trường cá tra không ít thách thức

Bà Lê Hằng Giám đốc truyền thông (VASEP) cho rằng, giá tra ghi nhận kim ngạch XK 253,241 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, song tăng trưởng âm nhẹ (-0,8%) so với cùng kỳ.

Riêng tháng 2 vừa qua đạt 120,057 triệu USD, tăng trưởng mạnh 32,8%, cho thấy dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Giá cá tra thương phẩm hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua (32.000-33.000 đồng/kg cho cá trên 1kg/con), mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi (2.000-3.500 đồng/kg). Đây là kết quả của nhu cầu XK tăng, đặc biệt từ cuối năm 2024, khi các doanh nghiệp ghi nhận nhiều đơn hàng ổn định đến ít nhất tháng 6/2025.

“Tuy nhiên, thị trường cá tra đối mặt với không ít thách thức. Giá nguyên liệu tăng do chi phí đầu vào (thức ăn, nhân công) leo thang và sự bất ổn từ chính sách thuế quan của Mỹ, với mức thuế bổ sung 10% áp lên thủy sản chế biến từ Trung Quốc, gián tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu”, bà Lê Hằng nhận định, bên cạnh đó, nhu cầu tại Mỹ vẫn ảm đạm, trong khi tồn kho lớn có thể kìm hãm đà tăng giá.

Người nuôi cá tra cần thận trọng tránh mở rộng sản xuất tự phát, bởi giá cả hiện tại có thể mang tính “ảo” và dễ lao dốc nếu cung vượt cầu. Việc liên kết với doanh nghiệp, áp dụng công nghệ nuôi hiện đại và tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Riêng đối với mặt hàng cá ngừ, mặc dù gặp khó khăn và thách thức từ những quy định quốc tế, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn ổn định, đạt 126,481 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3,5%. Riêng với tháng 2/2025 đạt 59,986 triệu USD, tăng trưởng 15,9%.

Thị trường Nhật Bản, vốn là một trong những điểm đến chính của cá ngừ Việt Nam cho thấy sự ổn định về giá, dù ở mức thấp. Giá cá ngừ mắt to đông lạnh tại Chợ Toyosu (Tokyo) duy trì quanh mức 650 yên/kg từ tuần thứ 4/2025, thấp hơn 100 yên/kg so với năm trước, do nguồn cung thắt chặt từ Ấn Độ Dương và Đông Thái Bình Dương.

Ngành XK cá ngừ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ các thị trường nhập khẩu chủ lực như EU và Mỹ. Quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) tiếp tục là rào cản lớn đối với thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, trong đó, quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn 0,5m tại Nghị định 37/2024 đang gây khiến cho ngư dân và doanh nghiệp không giải quyết bài toán nguyên liệu.

Tương tự, Mỹ áp dụng Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA), yêu cầu các quốc gia xuất khẩu hải sản phải chứng minh quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và chứng minh những quy định quản lý tương đồng với Hoa Kỳ. Phía Mỹ vừa có thông báo không công nhận Việt Nam tương đương, và có nguy cơ cấm nhập khẩu nhiều loài hải sản VN từ 1/1/2026 nếu Việt Nam không có động thái kịp thời.

Để vượt qua, theo các chuyên gia kinh tế, cần sự đồng hành quyết liệt từ các cơ quan thẩm quyền và nhà quản lý ngành trong việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, để các mặt hàng này tránh vấp phải nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu.

“Sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là yếu tố sống còn để giữ vững thị trường và thúc đẩy tăng trưởng”,  Giám đốc Truyền thông VASEP nhấn mạnh.

Xuất khẩu nông lâm, thủy sản trở lại đà tăng trưởng

Nhận định chung về triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các tỉnh, thành phố có thể bắt nhịp được trong những thay đổi bất định của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và các thị trường khác để duy trì đà tăng trưởng.

"Những biến động mới trong những ngày đầu năm 2025 được ngành nông nghiệp nhìn nhận là những động lực mới để chuyển đổi và tăng tốc phát triển dựa trên hệ sinh thái sản xuất và tư tưởng kinh tế nông nghiệp đã hình thành được trong thời gian qua”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

 

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...