Vật liệu xây dựng thực hành ESG để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường trong một năm. Vì vậy, ngành này cần nhanh chóng thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.

Ngày 9/11, báo Saigon Times Group đã tổ chức hội thảo “Thực hành ESG - Hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng”.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khi thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng tại TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khi thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng tại TP Hồ Chí Minh

Tại hội thảo, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, mỗi năm ngành vật liệu xây dựng phát thải khoảng 40% lượng CO2 thải ra môi trường. Đây là thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang cần nhanh chóng thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai. Vì vậy, muốn chuyển đổi thành công đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thay đổi nhận thức để thực hành ESG một cách bài bản.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, hiện nay việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG có vai trò quan trọng khi đo lường các yếu tố phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Qua việc thực hành ESG, doanh nghiệp còn có nhiều lợi thế hơn để thu hút nhà đầu tư, người cho vay và khách hàng mà còn cải thiện hiệu suất tài chính và tạo sự phát triển bền vững.

Cụ thể, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thể hiện sự quan tâm tới các tiêu chí ESG như là một phương pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như thuyết phục người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, trong ngành vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về ESG cùng những lợi thế có được khi thực hành ESG. Vì vậy, vẫn còn tình trạng mỗi doanh nghiệp sẽ có một hành trình ESG riêng biệt.

"Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng cần chuyển đổi thực hành ESG để tiến tới phát triển xanh, tuần hoàn và đạt mục tiêu Net Zero. Khi thực hành ESG hiệu quả còn giúp cho những doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu xanh theo đúng xu hướng phát triển của thế giới.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng rất chú trọng ESG, nghĩa là các đơn vị trong nước nếu muốn hợp tác với nước ngoài cũng phải hướng đến tiêu chuẩn này. Vì vậy, nếu không thực hiện ESG, nguy cơ về dài hạn doanh nghiệp Việt cũng không thể tham gia chuỗi cung ứng ngay trên sân nhà của mình", ông Đình Hồng Kỳ cảnh báo thêm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển. Thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt ngành vật liệu xây dựng.

Sản xuất xanh, tiếp thị các sản phẩm xanh, đầu tư vào con người và cộng đồng không phải là chi phí. Đây là những khoản đầu tư khôn ngoan cho tương lai của doanh nghiệp, là tự mình cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu. Chưa kể việc thực thi bộ tiêu chuẩn ESG sẽ giúp doanh nghiệp phát triển vững vàng.

Khi thực thi tốt ESG, doanh nghiệp sẽ giữ chân được và thu hút được nhân tài. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được chính quyền đánh giá giao khi có chiến lược phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Công Bảo, đa số doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu trên hành trình ESG. Phía trước còn rất nhiều việc cần làm để kiện toàn các chương trình của doanh nghiệp.

Vì vậy, để doanh nghiệp có hướng đi đúng theo mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết, trước mắt các cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định rõ ràng trong việc khai báo lượng phát thải khí nhà kính, triển khai báo cáo ESG và tạo điều kiện đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp cùng tham gia.

Mặt khác, nhằm kéo giảm khoảng cách giữa cam kết và thực hành, doanh nghiệp cần cơ cấu quản trị ESG mạnh mẽ; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu báo cáo và đảm bảo tính độc lập khi báo cáo thực hành ESG.

Về lâu dài, doanh nghiệp cần sự đồng thuận về tư duy phát triển bền vững của các nhân viên công ty để chung tay chuyển đổi sang thực hành ESG từ chính trong doanh nghiệp.

Lượt xem: 5
Tác giả: Nguyễn Nguyên Anh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...