Ứng dụng công nghệ trong trồng hoa: Hướng tới vùng sản xuất chất lượng cao

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp của thành phố Hà Nội ngày càng bị thu hẹp. Do đó, việc phát triển nghề trồng hoa theo hướng sản...

trong-hoa.jpg

Chăm sóc hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).

Đầu tư lớn, thu nhập cao

Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho biết, hợp tác xã đang đầu tư công nghệ cao như nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... vào sản xuất hoa lan. Trồng trong nhà kính tạo môi trường thuận lợi cho hoa lan phát triển, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp chủ động được kế hoạch sản xuất, khắc phục tính thời vụ, có thể cung cấp hoa quanh năm. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 250.000 cây hoa các loại; doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 40 lao động, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu “Flora Việt Nam”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ trang trại Mê Linh F-Farm (huyện Mê Linh) cho hay, từ vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả ở xã Đại Thịnh, ông cải tạo, đầu tư trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao. Hiện, Mê Linh F-Farm đã xây dựng được hệ thống chăm sóc hoa lan khép kín. Các công đoạn như tưới nước, nhân giống, tạo thế hoa đều được thực hiện trong nhà màng với tiêu chuẩn cao để hoa phát triển và nở đúng dịp. Ngoài ra, các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, nguồn nước cũng được kiểm soát tối ưu cho sự sinh trưởng của hơn 50.000 gốc hoa. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, hoa lan hồ điệp mang thương hiệu Mê Linh F-Farm bền đẹp, cánh dày, thời gian sử dụng dài nên được người tiêu dùng ưa chuộng, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800ha), quy mô 10-20 ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Ngoài ra, Hà Nội cũng có 61 cơ sở trồng hoa ứng dụng công nghệ cao toàn phần hay một phần, tổng diện tích 122ha với hơn 77ha hoa trong nhà kính. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, đưa giống mới vào sản xuất, quy trình chăm bón, tưới tiêu nước tự động, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ… cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm…

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa đã giúp người dân chủ động được quy trình trồng, chăm sóc; hạn chế, khắc phục được yếu tố bất lợi của thời tiết. Hơn nữa, người trồng hoa có thể xây dựng lịch thời vụ trồng và thu hoạch đúng dịp lễ, Tết nên bán được giá. Hoa trồng đạt tỷ lệ sống cao, nở đồng đều, thu hoạch đồng loạt, tạo điều kiện thuận lợi để gieo trồng vụ hoa mới.

Nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao

Hiện nay, việc sản xuất hoa theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao cũng đã xuất hiện ở các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất… nhưng còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự gắn kết giữa các nông hộ với doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và sản xuất; thiếu quy hoạch vùng chuyên canh; chưa nghiên cứu, dự báo được nhu cầu thị trường nên thiếu định hướng trong kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất hoa rất lớn; doanh nghiệp, hợp tác xã còn một số hạn chế, khó khăn cho việc đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản…

Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng công nghệ cao, ông Nguyễn Hữu Cường, xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đề nghị, các ngành chức năng hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã, người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khu nhà màng, nhà lưới trong sản xuất hoa; hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm... bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu phát triển vùng hoa khoảng 8.000ha hoa các loại theo hướng tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 500-700ha. Theo đó, Hà Nội cũng sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa; khai thác, tạo sinh kế và phát huy hiệu quả đất bãi ven sông, tập trung phát triển nghề trồng hoa theo hướng trang trại gắn với du lịch trải nghiệm…

Để nhân rộng mô hình trồng hoa công nghệ cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đề nghị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; xây dựng nghề trồng hoa trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Mặt khác, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao; hướng dẫn các hộ trồng hoa cách phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Đối với các hộ trồng hoa mới, cần được hỗ trợ giống hoa có năng suất, chất lượng cao, theo hướng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sử dụng đất. Mặt khác, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nói chung và trồng hoa nói riêng, hình thành những vùng hoa chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu...

 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...