Trong khi khối ngoại liên tục "xả hàng" MWG, Dragon Capital gom thêm FRT

Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MWG đã giảm khoảng 13% trong khi cổ phiếu FRT tăng khoảng 56%.

Từng là cổ phiếu được loạt quỹ ngoại “săn đón”, MWG đang đối mặt với sự thoái lui của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phiên giao dịch 2/11, cổ phiếu MWG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường với khối lượng bán ròng hơn 8 triệu cổ phiếu giá trị 287 tỷ đồng. Khối ngoại đã bán ròng MWG liên tiếp 3 phiên gần đây với tổng khối lượng bán ròng khoảng 15,4 triệu cổ phiếu.

Tính trong vòng 1 tháng qua, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 34 triệu cổ phiếu MWG, tương đương giá trị bán ròng 1.400 tỷ đồng.

Dragon Capital - cổ đông lớn của MWG - đã liên tục thoái vốn kể từ cuối năm 2022. Giao dịch gần đây nhất là vào đầu tháng 4 năm nay, Dragon Capital bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 117,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,008%) xuống còn 116,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,94%).

Trong khi đó, các quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã mua thêm tổng cộng 232.600 cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) trong ngày 30/10. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua 180.000 cp và Norges Bank mua 52.600 cp.

Tạm tính theo giá đóng cửa phiên 30/10 là 86.400 đồng/cp, quỹ ngoại này đã chi ra khoảng 20 tỷ đồng để gia tăng sở hữu.

Sau giao dịch, tổng cộng nhóm Dragon Capital sở hữu hơn 13,6 triệu cổ phiếu FRT, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG nằm trong đà điều chỉnh kể từ đầu tháng 9/2023. Từ vùng giá 55.000 đồng, tính đến nay cổ phiếu này đã giảm tới 33%. Tương ứng, giá trị vốn hóa thị trường giảm gần 25.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MWG đã giảm khoảng 13%.

Trong khi đó, cổ phiếu FRT vẫn giữ được nhịp tăng trưởng và mới bước vào xu hướng giảm từ giữa tháng 10 đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FRT đã tăng khoảng 56%. Sự kỳ vọng vào đà tăng trưởng của chuỗi nhà thuốc Long Châu là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu FRT bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua dù kết quả kinh doanh chung chưa thuận lợi.

Theo đó,  từ tháng 4/2023, cuộc chiến hạ giá giữa các đại lý ICT trong bối cảnh sức mua yếu đã và đang ảnh hưởng nặng lên chỉ số của các bên.

Trong quý 3, FRT lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 85 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, FRT đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. FRT lỗ sau thuế gần 226 tỷ, cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng.

Còn MWG, trong quý 3,  lợi nhuận sau thuế MWG gần 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu MWG giảm 15,5% xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến gần 97%, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.

Lượt xem: 5
Tác giả: Theo Huyền Trang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...