Tổng mức bán lẻ hàng hóa của Nam Định tăng 13,8%

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh Nam Định tăng 13,8% so với năm trước, CPI tăng 4,01% so với năm 2023.

Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động

Tại buổi họp báo công bố thông tin kinh tế - xã hội năm 2024, ông Lê Mạnh Hồng - Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định - cho hay, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,8% so với năm trước.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2024 ước đạt 7.388 tỷ đồng, tăng 8,9% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng tháng năm trước, trong đó: Bán lẻ hàng hóa 6.585 tỷ đồng, tăng 9,6%; lưu trú và ăn uống 431 tỷ đồng, tăng 0,4%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, giảm 2,2%; dịch vụ khác 370 tỷ đồng, tăng 7,0% so với tháng trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ từ năm 2020-2024 của tỉnh Nam Định. Ảnh: Cục Thống kê Nam Định

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 đạt 78.080 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với năm 2020 - năm xảy ra dịch Covid-19 và tăng 13,8% so với năm trước.

Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 69.316 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng mức và tăng 13,3% so với năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao: Ô tô con (dưới 9 chỗ) tăng 38,1%; lương thực, thực phẩm tăng 18,1%; hàng hóa khác tăng 16,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,7%; hàng may mặc tăng 13,3%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình tăng 13,0%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 9,5%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,2%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4.813 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng mức, tăng 22,2% so với năm trước, trong đó: Ngành lưu trú 304 tỷ đồng và 845 nghìn lượt khách, tăng 7,0% doanh thu và 5,1% lượt khách; ngành ăn uống đạt 4.509 tỷ đồng, tăng 23,3%.

Doanh thu du lịch lữ hành 22 tỷ đồng và 34 nghìn lượt khách, tăng 27,6% doanh thu và 15,5% lượt khách so với năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 3.929 tỷ đồng, chiếm 5,0% tổng mức và tăng 13,5% so với năm trước.

Công tác quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường tỉnh trong năm 2024 tiến hành kiểm tra 791 vụ, phát hiện và xử lý 386 vụ vi phạm hành chính với 387 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 3.444 triệu đồng. Trong đó hàng cấm, hàng lậu 29 hành vi; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 43 hành vi; vi phạm trong lĩnh vực giá đầu cơ găm hàng 158 hành vi; vi phạm trong kinh doanh 53 hành vi; vi phạm trong an toàn thực phẩm 11 hành vi và vi phạm khác 153 hành vi.

CPI tăng 4,01%

Ông Lê Mạnh Hồng cũng thông tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 của tỉnh giảm 0,10% so với tháng trước; tăng 3,24% so với tháng 12/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 4,01% so với năm 2023; chỉ số giá vàng tăng 19,50% và chỉ số giá USD tăng 4,85%.

Trong mức giảm 0,10% của CPI tháng 12/2024 so với tháng trước, có 1 nhóm hàng giảm giá; 8 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giá ổn định.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CPI giảm 0,92% so với tháng trước chủ yếu do giá thực phẩm giảm 1,49%. Ở chiều ngược lại, giá lương thực tăng 1,10%; giá ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,01%.

Tám nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,79%; nhóm giao thông tăng 0,57%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm giáo dục tăng 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%.

Hai nhóm có chỉ số giá ổn định so với tháng trước gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông. Chỉ số giá vàng giảm 1,60% và chỉ số giá USD tăng 0,13% so với tháng trước.

Càng về cuối năm hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động hơn, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12 và 12 tháng năm 2024.
 
Lượt xem: 18
Tác giả: Hải Linh
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...