TMĐT qua thời đốt tiền, TGĐ Lazada tiết lộ chiến lược giúp vượt qua "mùa đông" của ngành công nghệ

Thách thức lớn nhất của toàn ngành thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay là sức mua sụt giảm và các công ty khởi nghiệp startup thì khó gọi vốn đầu tư.

 

Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ

Một số liệu thống kê thị trường cho thấy giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2022 đã có hơn 20.500 nhân sự tại các công ty công nghệ bị sa thải, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.

Làn sóng sa thải tại ngành công nghệ lan rộng trên thế giới với những tên tuổi lớn từ Meta, Netflix cho đến Alibaba, Tencent.

Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, ngay trong tháng 9 này vừa tuyên bố giảm 3% nhân sự tại Indonesia và rút hoàn toàn khỏi 4 thị trường nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.

Tại thị trường Việt Nam, Shopee cũng tiến hành các đợt cải tổ nhằm cắt giảm chi phí. Thông tin từ Zing mới đây cho biết, một số quyền lợi của nhân viên như bữa sáng hàng ngày, thức ăn nhẹ, team building hiện đã bị cắt giảm tối đa. Một nhân viên thuộc mảng giao đồ ăn của Shopee cho biết đã được thông báo phải chuyển địa điểm làm việc từ Lotte Center về trụ sở chính là tòa Capital Place trên đường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Một startup công nghệ nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản là Propzy mới đây cũng cắt giảm 50% nhân sự và thông báo chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.

Làn sóng sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất là áp lực lạm phát đẩy mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí doanh nghiệp. Nguy cơ suy thoái làm giảm sức cầu tiêu dùng. Mặt khác, ngay cả các nhà đầu tư cá mập cũng không còn kiên nhẫn với lộ trình tìm kiếm lợi nhuận từ các công ty công nghệ.

Đã qua thời đốt tiền

Áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái tác động lớn đến ngành công nghệ toàn cầu, ngành thương mại điện tử cũng không đứng ngoài tầm ảnh hưởng.

“Nguy cơ suy thoái và lạm phát chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngành bán lẻ. Chúng tôi đã thấy hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Họ bắt đầu lựa chọn các sản phẩm giá rẻ hơn, kích thước nhỏ hơn, cũng như tìm kiếm nhiều khuyến mãi theo gói buộc doanh nghiệp phải thay đổi.

Thách thức lớn nhất của toàn ngành thương mại điện tử lúc này là sức mua sụt giảm và các công ty khởi nghiệp startup thì khó gọi vốn đầu tư. Tôi cho rằng ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam sẽ ít hơn so với các nước nhờ vào tăng trưởng GDP ấn tượng”, ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada trả lời phỏng vấn trên VTV mới đây.

TMĐT qua thời đốt tiền, TGĐ Lazada tiết lộ chiến lược giúp vượt qua "mùa đông" của ngành công nghệ - Ảnh 1.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada

Ông James Dong cho biết, những năm trước các startup trong ngành thương mại điện tử chú trọng tăng trưởng với chi phí cao, nhưng khi bối cảnh biến động nhanh chóng, các nhà đầu tư và startup lại tìm kiếm lợi nhuận và phát triển bền vững hơn.

Tổng giám đốc Lazada nhận định thị trường sẽ phải chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại cách vận hành trong giai đoạn khó khăn này.

Về phía Lazada, ông James Dong cho biết do không bị phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài nên đơn vị này vẫn đầu tư, tuyển dụng tại thị trường Việt Nam.

Trong giai đoạn khó khăn, chiến lược cạnh tranh đốt tiền nổi tiếng của ngành thương mại điện tử đã không còn phù hợp. Theo ông James Dong, giai đoạn này thay vì đốt tiền, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào cải thiện trải nghiệm người dùng.

“Chiến lược bây giờ sẽ tập trung cải thiện người dùng nhiều hơn trước. Kinh nghiệm từ nhiều thị trường đã dạy cho chúng tôi nhiều bài học rằng khi tập trung đầu tư cho các nền tảng như cơ sở hạ tầng, công nghệ thì doanh nghiệp sẽ có đủ nội lực vượt qua khó khăn.

Chẳng hạn trong thời điểm khó khăn nhất trong dịch Covid-19 tại Việt Nam chúng tôi vẫn duy trì được một bộ phận giao hàng, phục vụ người dùng nhanh nhờ trước đó đã có thời gian dài đầu tư kho vận riêng của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này tại Việt Nam và mong sẽ gặp quả ngọt trong dài hạn”, Tổng giám đốc Lazada chia sẻ.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...