Tiết lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Thế giới di động, FPT Shop, CellphoneS, Di động Việt: Tiếng "rên xiết" kéo dài thuộc về ai?

Tuyên bố sẽ khiến đối thủ "rên xiết" mà chủ tịch Nguyễn Đức Tài phát biểu trong đại hội cổ đông của Công ty CP đầu tư Thế giới di động (MWG) đã mở màn cho một cuộc chiến giá bán lẻ điện thoại vô cùng khốc liệt, khiến lợi nhuận các bên đều lao dốc. Tuy nhiên, vẫn có những chuỗi tăng trưởng doanh thu dương bên cạnh chuỗi tăng trưởng âm.

Doanh thu thuần hợp nhất quý II của MWG đạt 29.465 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu MWG đạt 57.060 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp của MWG trong quý này giảm xuống chỉ còn 18,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 21,2%. Mức lợi nhuận gộp quý II của ông lớn này chỉ vừa vặn bù đắp chi phí hoạt động vốn khá lớn với hệ thống 5.778 cửa hàng và hơn 68.000 nhân viên trong cả nước (số liệu 30/06/2023).

Nếu không có chênh lệch dương từ doanh thu trừ lợi nhuận tài chính thì MWG không thể đạt được lợi nhuận 17 tỷ đồng sau thuế, cho dù đây đã là mức lợi nhuận quý thấp nhất từ khi doanh nghiệp niêm yết tới nay.

Nguồn: Thế giới di động

Đối thủ trực tiếp của MWG là Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FRT cũng đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi mảng kinh doanh của công ty mẹ (không bao gồm chuỗi Long Châu và DN logistic) lỗ 252 và 318 tỷ đồng lần lượt trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

Dấu hiệu của cuộc chiến giá phản ánh rất rõ rệt ở việc biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ FRT trong quý II đã giảm xuống 8,1%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái là 12,39%.

Tuy nhiên, chấp nhận hi sinh lợi nhuận không có nghĩa các doanh nghiệp bán lẻ dễ dàng để bị lấy đi miếng bánh thị phần.

Từ động thái đáp trả trong cuộc chiến giá, khi các đối thủ cập nhật hệ thống giá từng phút theo sát đối thủ cho đến những chiến dịch truyền thông đáp trả thẳng thừng, kiểu "Rẻ hơn cả giá rẻ" đã cho thấy mức độ quyết liệt của các nhà bán lẻ, từ chuỗi lớn cho đến chuỗi nhỏ.

Hồi tháng 4, trong đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch FPT Retail (FRT) Nguyễn Bạch Điệp đã nhận định: " Dĩ nhiên trong quá trình thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau", nhưng lâu dài chỉ kéo nhau xuống, chả ăn được của nhau đâu. Cuộc chiến về giá - chúng tôi đánh giá không phải là bài toán ha y ".

Cho đến hiện tại, qua một vài con số công bố từ các bên, có thể thấy nhận định của bà Điệp về việc "chẳng ăn được của nhau" có vẻ hợp lý.

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường ngành ICT, thị trường bán lẻ ICT chung giảm khoảng 24% trong 6 tháng đầu năm.

FRT công bố, doanh thu lũy kế chuỗi FPTShop 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8.118 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm chung của thị trường. Riêng quý II giảm 18% so với cùng kỳ tốt hơn mức giảm quý I là 20%.

Những chuỗi nhỏ hơn, những tưởng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lại có vẻ không phải như vậy.

Đại diện truyền thông Cellphone S cho biết, về nhóm sản phẩm ICT, cả năm 2023, chuỗi đang tăng khoảng 3% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, các nhóm sản phẩm Laptop giảm 15% so với 2022 trong khi thị trường giảm 38% còn các nhóm sản phẩm điện thoại máy tính bảng tăng khoảng 7%, so với mức giảm chung thị trường 25%.

CellphoneS cho biết, quý II - vùng trũng tăng trưởng của năm 2023, họ vẫn giữ được mức tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong nửa đầu năm 2022, doanh số tăng trưởng 6,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chuỗi đưa ra mức dự kiến lạc quan năm 2023 sẽ tăng 15% so với 2022 khi có nhiều sản phẩm quan trọng của năm ra mắt như Xiaomi 13 series, OPPO Reno 10, Samsung Galaxy Z series mới và đặc biệt là iPhone 2023 mới cũng như các đợt bán hàng lớn của năm như Back to school 2023, black Friday 2023 hay mùa bán hàng cuối năm - Tết.

Trong một tiết lộ hồi đầu tháng 7, đại diện truyền thông của Di Động Việt cho biết, doanh số trong nửa đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại hệ thống trong nhiều năm qua, tuy nhiên một con số tăng trưởng dương trong điều kiện thị trường chung giảm sút cũng là một sự khẳng định nỗ lực trong việc giữ thị phần.

Trong khi đó, MWG - ông lớn phát động cuộc chiến giá mặc dù không công bố chi tiết riêng số liệu từng ngành hàng nhưng báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy tổng doanh thu Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 41.500 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Như vậy, mức giảm này đang cao hơn số liệu các hệ thống khác công bố, trong khi việc giảm giá cùng diễn ra như nhau.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...