Tiếp "dưỡng khí" cho doanh nghiệp

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng các doanh nghiệp trên toàn cầu bị vỡ nợ đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp quốc tế bị phá sản trong quý I-2023 vừa qua còn cao hơn quý IV-2020, khi thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Nguyên nhân là giới doanh nghiệp toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng kinh tế thế giới u ám.

Ảnh minh họa:TTXVN 

Môi trường kinh doanh toàn cầu đang bất lợi như vậy khiến chúng ta có cơ sở để lo ngại cho sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam. Một vài số liệu quý I-2023 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải cực nhọc trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Trong quý I năm nay, cả nước có hơn 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I chỉ đạt mức rất thấp là 1,61%, trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14-15%. Chỉ số sản xuất, mức hấp thụ vốn của nền kinh tế đều thấp như vậy cũng dễ hiểu bởi đầu ra cho hàng hóa, dịch vụ đang thực sự khó khăn. Sức mua thấp trên thị trường toàn cầu khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu rất chật vật tìm đơn hàng mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp không còn đơn hàng. Doanh nghiệp không bán được hàng nên dòng tiền bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ ngã quỵ nếu không được hỗ trợ ngay.  

Dòng tiền chính là "dưỡng khí" của doanh nghiệp. Trong lúc này, rất cần những biện pháp cấp bách để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, chính là cấp thêm “dưỡng khí” cứu sống doanh nghiệp.

Chỉ trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần giảm lãi suất điều hành nhằm hướng tới việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đã được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu... Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm tiền thuê đất, giảm thuế GTGT năm 2023. Trong đó, để kích thích người dân mua hàng hóa, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT năm 2023 đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đồng thời, để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Có thể thấy, các biện pháp trên là rất cần thiết, kịp thời. Đặc biệt, biện pháp giảm thuế GTGT và giảm mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT nếu được Quốc hội thông qua sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Năm 2022 vừa qua, tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng và việc giảm 2% thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với thực trạng hiện nay, kinh tế thế giới chưa thể sớm hồi phục, sức mua của thị trường nhìn chung còn yếu không chỉ trong năm 2023 mà cả trong năm 2024. Chính vì vậy, nếu thuế GTGT được giữ ở mức thấp, trong thời gian dài sẽ tạo ra một luồng "dưỡng khí" ổn định cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần rà soát tổng thể, tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần tính toán thời điểm tăng giá các mặt hàng chiến lược như năng lượng để không tạo thêm gánh nặng mới khi doanh nghiệp đang mệt nhọc. Bởi doanh nghiệp có sống khỏe thì nền kinh tế mới sống khỏe!  

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết