Tiếp cận thị trường bằng chất lượng, giá cả để cạnh tranh

Những năm qua, Nhà máy Z143 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã đẩy mạnh hiện đại hóa dây chuyền, máy móc, thiết bị, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Lê Văn Minh, Giám đốc Nhà máy Z143 cho biết: Nhà máy xác định các dòng sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, qua đó không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo tiềm lực để đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng.

Thượng tá Lê Văn Minh. 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời gian qua, Nhà máy Z143 đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực sản xuất, những yếu tố nào giúp nhà máy đạt được bước tiến quan trọng đó? 

Thượng tá Lê Văn Minh: Từ khi thành lập năm 1972, Nhà máy Z143 đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất dây, cáp, thiết bị cho ngành viễn thông, điện lực. Trên cơ sở dây chuyền, máy móc sẵn có, nhà máy xác định cần phải có sản phẩm chủ lực. Chúng tôi lựa chọn dây, cáp điện bởi hiện nay đây vẫn là sản phẩm thông dụng, tuổi đời dài, chưa thay thế được, khác với dây, cáp viễn thông, tuổi đời sản phẩm chỉ 3-4 năm vì công nghệ thay đổi liên tục. Dây, cáp điện là lĩnh vực Z143 có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên, máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều, thiếu đồng bộ, năng lực hạn chế. Nhận diện những vấn đề đó, từ năm 2018, nhà máy đã tập trung tất cả nguồn lực cho sản xuất, làm lại mặt bằng công nghệ, đầu tư đồng bộ, nâng cấp máy móc. Đồng thời, từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu để sản xuất được sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chúng tôi luôn tâm niệm, tập trung vào sản xuất mới mang lại giá trị, lấy giá trị đó tái đầu tư cho sản xuất. Cá nhân tôi luôn mong muốn nhà máy làm ra càng nhiều sản phẩm càng tốt, dây chuyền, thiết bị hoạt động liên tục, người lao động có việc làm. Để làm được điều đó phải tạo ra sản phẩm mới, đa dạng, đi trước đón đầu.

PV: Bên cạnh sản xuất phục vụ quốc phòng, nhà máy cũng đẩy mạnh cung cấp sản phẩm kinh tế, những yếu tố nào giúp Nhà máy Z143 đứng vững trước áp lực cạnh tranh, thưa đồng chí?

Thượng tá Lê Văn Minh: Tỷ lệ sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng của nhà máy hiện chiếm khoảng 30% trong tổng sản phẩm, còn lại là các mặt hàng kinh tế. Đối với các sản phẩm kinh tế, chúng tôi không chỉ cung cấp trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi tự tin về chất lượng sản phẩm mình làm ra, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của Việt Nam và thế giới.

Chúng tôi cũng nỗ lực khai phá thị trường và tìm kiếm thị trường mới. Như với sản phẩm dây, cáp điện, nhà máy bắt đầu đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước từ năm 2020 đến nay, hiện nay, sản phẩm đã đi vào nhiều công trình xây dựng khắp cả nước. Chủ trương của nhà máy là tiếp cận thị trường bằng chất lượng, giá cả để cạnh tranh. Muốn làm được như vậy, phải làm chủ về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng, tiết giảm chi phí, có giá thành hợp lý, giúp sản phẩm dễ dàng tiến sâu vào thị trường. Chúng tôi cũng đánh giá dư địa cho sản phẩm của nhà máy sử dụng trong các công trình xây dựng của quân đội còn rất lớn. Đặc biệt, nếu có cơ chế ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp quân đội với điều kiện bảo đảm chất lượng, giá thành cạnh tranh thì sẽ tạo tác động lan tỏa để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Dây chuyền, thiết bị của Nhà máy Z143 được nâng cấp, cải tiến, đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất. Ảnh: HƯNG MẠNH 

PV: Trong thời gian tới, nhà máy có định hướng gì trong phát triển sản phẩm mới cũng như tiếp tục mở rộng thị trường?

Thượng tá Lê Văn Minh: Xu hướng hiện nay ngày càng đòi hỏi sản phẩm mang tính ưu việt hơn, hoàn hảo hơn khi đến tay người tiêu dùng. Để đi tắt đón đầu trong phát triển sản phẩm, nhà máy chú trọng tìm hiểu công nghệ mới, chuẩn bị sẵn sàng cho các sản phẩm mới từ hồ sơ, thử nghiệm, phê duyệt. Khi thị trường có nhu cầu, chúng tôi đã có đủ điều kiện cho sản xuất. Nếu chờ đến lúc có thị trường rồi mới nghiên cứu phát triển, sản phẩm sẽ luôn đi sau và không thể cạnh tranh được.

Năm 2022, nhà máy cơ bản hoàn thiện đồng bộ công nghệ, máy móc thiết bị để hướng đến đa dạng hóa hơn nữa sản phẩm. Với lĩnh vực dây, cáp điện, mỗi khu nhà ở, công trình có nhiều loại dây, cáp khác nhau, chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ các chủng loại đó để khách hàng yên tâm sử dụng trọn bộ sản phẩm của nhà máy. Về mở rộng thị trường, chúng tôi vừa thúc đẩy tiêu thụ trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Căn cứ vào đặc điểm của từng thị trường để có định hướng sản phẩm phù hợp, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí. Đồng thời, xây dựng sản phẩm theo từng phân khúc từ bình dân đến cao cấp, dù phân khúc nào thì yêu cầu bảo đảm chất lượng cũng luôn đặt lên hàng đầu.

PV: Đối với các nhiệm vụ quốc phòng, nhà máy đáp ứng như thế nào thưa đồng chí?

Thượng tá Lê Văn Minh: Là đơn vị quốc phòng, an ninh, nhà máy luôn xác định sản xuất quốc phòng là yêu cầu hàng đầu, nhiệm vụ chính trị trung tâm. Hiện nay, sản xuất quốc phòng chỉ sử dụng hết 1/4 quỹ thời gian trong năm của nhà máy. Để tránh lãng phí nguồn lực và trau dồi tay nghề cho người lao động, cần thiết phải phát huy tính lưỡng dụng của dây chuyền sản xuất. Kết hợp sản xuất quốc phòng và kinh tế, vừa giúp có thêm thu nhập, bảo đảm đời sống cho người lao động, vừa tăng cường tiềm lực để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nhờ vậy, nhà máy có điều kiện duy trì đội ngũ, hoạt động sản xuất chuyên môn hóa hơn, chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HƯNG MINH (thực hiện)

Tags: qdnd