Tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Cùng với việc tập trung phân hạng các sản phẩm OCOP, huyện Mê Linh đã tập trung tuyên truyền quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó đã tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện.

Chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, huyện Mê Linh luôn chú trọng triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhờ vậy đã có 55 sản phẩm nông nghiệp được công nhận từ 3 đến 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để Mê Linh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (ở thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh) là người tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp. Trên diện tích hơn 12ha ruộng trũng, cấy lúa hiệu quả thấp, ông thuê lại của người dân và chuyển đổi sang phát triển trang trại tổng hợp.

Trong đó, ông Dũng dành khoảng 5.000m2 phát triển mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi năm trang trại của ông cung cấp cho thị trường 100.000-120.000 cây lan, doanh thu 7 tỷ đồng. Nhờ sản xuất ổn định nên cuối năm 2021, lan hồ điệp của ông đã được phân hạng sản phẩm OCOP “4 sao”.

Tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Giám đốc HTX Khánh Phong (xã Tiến Thịnh) Nguyễn Thế Lâm chăm sóc ổi Lê Đài Loan – sản phẩm OCOP 4 sao

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, hoa lan (chủ yếu là giống hồ điệp) được gieo trồng trong nhà màng, nhà lưới. Nhiệt độ vườn ươm được điều chỉnh phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây hoa ở từng giai đoạn. Hệ thống tưới tự động cũng được lắp đặt giúp tiết giảm tối đa lượng nhân công cần thiết. Mỗi năm vườn ươm cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại.

Hướng tới mục xây dựng trang trại thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, phục vụ việc thăm quan, trải nghiệm của nhân dân thủ đô, ông Nguyễn Tiến Dũng đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và du lịch Tiến Tuấn.

Cũng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong, xã Tiến Thịnh trồng 10ha cây ăn quả các loại theo hướng hữu cơ. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, Hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đặc biệt, 2 sản phẩm chủ lực của đơn vị là ổi Đài Loan và đu đủ đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP đạt “4 sao”.

Giám đốc Hợp tác xã Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm cho biết: “Từ khi sản phẩm được gắn sao, việc tiêu thụ trái cây không chỉ thuận lợi hơn mà giá trị cũng được nâng cao đáng kể. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã phân phối tại nhiều cửa hàng hoa quả sạch ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận”.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng

Ổi lê của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong và hoa lan hồ điệp của Công ty Tiến Tuấn chỉ là hai trong số 55 sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện Mê Linh đã có 35 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận, cấp sao trong chương trình OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm được chứng nhận 3 sao. Năm 2021, huyện Mê Linh có thêm 20 sản phẩm được đánh giá 3 sao và 4 sao, nâng tổng số sản phẩm được công nhận đến nay lên 55 sản phẩm.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cụ thể hóa nguyên tắc và các bước tổ chức triển khai thực hiện.

Tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Lan hồ điệp của Công ty TNHH TM &DL Tiến Tuấn xã Đại Thịnh- Sản phẩm OCOP 4 sao

Ông Phạm Thành Đô, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Phòng Kinh tế đã phối hợp các xã, thị trấn hoàn thành việc rà soát, đánh giá đối với 122 sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành hàng sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở quan trọng để các chủ thể có kế hoạch đầu tư, phát triển, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Định hướng phát triển của huyện không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam, cũng như từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Mê Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, từ đó huy động sự vào cuộc của các chủ thể và đông đảo tầng lớp Nhân dân. Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, Mê Linh cũng sẽ chú trọng xây dựng điểm giới thiêu, bán hàng; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản, hàng hóa của các chủ thể vào hệ thống phân phối.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tin rằng, chương trình OCOP của huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội

Lượt xem: 38
Tác giả: Khắc Nam
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...