So găng Vietcombank và Techcombank: Chiến lược và lợi thế khác biệt trong bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022

Lợi thế và chiến lược kinh doanh khác nhau đem đến sự khác biệt trong cấu trúc thu nhập của Vietcombank và Techcombank cũng như khoảng cách về lợi nhuận giữa 2 nhà băng hàng đầu này.

Trong báo cáo phân tích về triển vọng thị trường nửa cuối năm 2022 và năm 2023 mới đây, trung tâm phân tích của công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá triển vọng tích cực của ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Theo đó rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. SSI Research đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.

Thống kê kết quả kinh doanh quý 2/2022 cho thấy những ngân hàng top đầu khối quốc doanh và tư nhân đều có được mức tăng trưởng dương. Đặc biệt quý vừa qua nhóm ngân hàng quốc doanh có bứt tốc mạnh mẽ của nhóm ngân hàng quốc doanh so với mặt bằng chung toàn ngành, bao gồm cả các nhà băng tư nhân top đầu như Techcombank và VPBank.

Bức tranh kết quả kinh doanh giữa 2 nhà băng đứng đầu khu vực quốc doanh (Vietcombank) và tư nhân (Techcombank) có gì khác biệt?

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2022 cho biết luỹ kế 6 tháng đầu năm Vietcombank ghi nhận mức doanh thu thuần 24.773 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó Techcombank ghi nhận quy mô bé hơn với mức 15.905 tỷ đồng, tăng trưởng tới 25% so với cùng kỳ 2021. So sánh về con số tuyệt đối, nguồn thu nhập chính từ hoạt động ngân hàng của Techcombank bằng 64% so với Vietcombank.

Trong quý 2, Vietcombank đẩy mạnh hoạt động cho vay kéo theo việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 đã gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu. Ông lớn quốc doanh này báo cáo tăng trưởng tín dụng quý 2/2022 đạt 6,9% trong đó cho vay khách hàng tăng 7% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 0,7% so với quý 1.

Với Techcombank, dư nợ tín dụng ghi nhận giảm 0,3% theo quý trong quý 2/2022, trong đó trái phiếu doanh nghiệp giảm 35,7%. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 của Techcombank là 7,56% so với hạn mức tín dụng ban đầu của ngân hàng là khoảng 9%.

So găng Vietcombank và Techcombank: Chiến lược và lợi thế khác biệt trong bức tranh kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Với lợi thế là một nhà băng tư nhân hiện đại, năng động và sớm áp dụng công nghệ, Techcombank vượt Vietcombank về lãi thuần hoạt động dịch vụ. Nửa đầu năm nay, nhà băng của tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận mức lãi dịch vụ lên đến 3.870 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó Vietcombank ghi nhận mức lãi dịch vụ 3.405 tỷ đồng, giảm 12%.

Sở dĩ Techcombank ghi nhận mức lãi dịch vụ lớn bởi các khoản phí thuần từ dịch vụ ngân hàng bao gồm dịch vụ thương mại, quản lý tiền mặt và nhiều mặt hàng liên quan đến bán lẻ như thẻ tín dụng tăng 60,7% so với cùng kỳ. Nguồn phí thuần từ bảo hiểm cũng tăng tới 31,5%.

Với lợi thế đặc biệt về kinh doanh ngoại hối, trong 6 tháng đầu năm Vietcombank tăng mạnh về lãi trong hoạt động này lên gần 3000 tỷ đồng, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó lãi từ hoạt động ngoại hối của Techcombank khá khiêm tốn khi chỉ ở mức 1 tỷ đồng, giảm tới 99%.

Chung quy lại lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt mức 22.381 tỷ đồng, tăng 17% còn đối với Techcombank là 14.106 tỷ đồng, tăng 22%.

Tuy nhiên sự khác nhau trong việc phân loại nợ xấu cũng như việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã thu hẹp khoảng cách về lợi nhuận giữa 2 nhà băng hàng đầu này. Vốn dĩ lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu. Nửa đầu năm 2002, Vietcombank trích lập 5.007 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ. Trong khi đó Techcombank trích lập 636 tỷ đồng, giảm tới 56%.

Theo lý giải của công ty chứng khoán Bản Việt, trong quý II vừa qua các khoản dư nợ tái cơ cấu của Techcombank tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho việc hoàn nhập dự phòng. Theo đó, các khoản dư nợ tái cơ cấu giảm từ 1,6 nghìn tỷ đồng trong quý I/2022 (tương đương 0,4% tổng dư nợ) xuống 0,5 nghìn tỷ đồng trong quý II/2022 (tương đương 0,13% tổng dư nợ).

Trong khi đó với Vietcombank, nếu loại trừ 3 nghìn tỷ đồng hoàn nhập chi phí dự phòng tại CB Bank, chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 sẽ tăng 45,6% so với cùng kỳ. Ngân hàng quốc doanh này tiếp tục thận trọng trong việc hạch toán chi phí dự phòng, nâng khả năng bao phủ nợ xấu LLR quý II/2022 lên 505,9% - mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Dù trích lập dự phòng lớn nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vietcombank nửa đầu năm cũng ghi nhận mức 17.373 tỷ đồng, tăng 28%. Techcombank đạt 14.106 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Con số lợi nhuận của Techcombank bằng 81% của Vietcombank.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...