Rao bán loạt khách sạn ‘đất vàng’, doanh nghiệp vẫn chật vật ‘ôm’ thua lỗ

Trên các diễn đàn rao bán, cho thuê nhà đất, nhiều khách sạn đang được rao bán liên tục, kể cả những tòa tọa lạc vị trí trung tâm đắc địa. Thậm chí có những khách sạn đã rao bán từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa tìm được chủ mới. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú ngắn ngày vẫn chật vật ôm lỗ luỹ kế lớn.

Hàng loạt khách sạn trung tâm được rao bán

Ngay tại trung tâm quận 1, TPHCM - khu vực vốn là sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch nước ngoài muốn lưu trú, nhiều khách sạn 3-4 sao đang phải rao bán, chuyển nhượng.

Ví dụ như khách sạn California Hotel tại Thủ Khoa Huân, phường Bến Thành có 12 tầng lầu với 105 phòng tiêu chuẩn 4 sao đang được rao với giá 760 tỷ đồng.

Khách sạn Golden Central Sài Gòn 4 sao toạ lạc tại mặt tiền đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành có 17 tầng, 128 phòng tìm chủ mới với giá 980 tỷ đồng.

Hay ở khu phố sầm uất khách Nhật Bản là Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, khách sạn Sophia cũng sẽ rao "sang tay" với giá 370 tỷ đồng cho diện tích 285m2 - 70 phòng ngủ.

Còn ở phía quận 3, ngay khu vực hồ Con Rùa, khách sạn 30 sao Aristo nằm trên mặt tiền đường Võ Văn Tần được "chào" giá 380 đến 400 tỷ đồng.

Một lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực lưu trú nhận định, do lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa được nhiều như kỳ vọng, về cơ bản dịch vụ lưu trú vẫn kém sôi động, nhiều đơn vị sở hữu khó khăn trong việc duy trì mặt bằng, lãi suất, tiền lương...

Rao bán loạt khách sạn ‘đất vàng’, doanh nghiệp vẫn chật vật ‘ôm’ thua lỗ - Ảnh 1.

(ảnh chụp từ trang thông tin bất động sản).

Doanh nghiệp chật vật khắc phục thua lỗ

Nếu nói về triển vọng chung, sẽ là khá tích cực đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, địa điểm lưu trú ngắn ngày khi du lịch Việt Nam đang hồi phục. Đặc biệt tin mới đây nhất là Trung Quốc đã mở cửa lại cho du lịch góp phần tạo nên hiệu ứng tốt cho ngành du lịch.

Tuy vậy, trên thực tế đối với nhiều đơn vị lưu trú ngắn hạn như khách sạn, cú sốc 2 năm đại dịch với thời gian cách ly, giãn cách kéo dài đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng thoi thóp, thậm chí dừng hoạt động.

 

Dù năm 2022 tình hình tích cực đã mang lại kết quả tốt hơn trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp lại những khoản lỗ khổng lồ trước đó.

Ví như Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist), doanh nghiệp này sở hữu 2 khách sạn toạ lạc tại trung tâm quận 1 TP.HCM gồm Viễn Đông (3 sao) tại đường Phạm Ngũ Lão và Ngân Hà (2 sao) trên đường Lê Thánh Tôn.

Ngoài ra công ty còn hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, nhà hàng, kinh doanh dịch vụ bất động sản trong đó khối dịch vụ gồm có Trung tâm Vàng bạc Bến Thành và Cao ốc Du lịch Bến Thành. Đồng thời, Bến Thành Tourist còn nắm cổ phần lớn tại Công ty TNHH Khách sạn Bến Thành Đồng Khởi Boutique và Công ty TNHH Căn hộ cho thuê nhà Phong Lan.

Với các hoạt động cốt lõi đều bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đại dịch nên tình hình tài chính của Bến Thành Tourist không được khả quan.

Năm 2022 nhờ thị trường khởi sắc nên doanh thu lợi nhuận của công ty đều tăng trưởng. Dù vậy lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng của năm 2022 vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng của năm 2021. Năm 2020, công ty còn lỗ đến 37 tỷ đồng. Bởi vậy, dù là đã có lãi trở lại, song lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2022 của Bến Thành Tourist vẫn còn gần 60 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty CP Khách sạn Sài Gòn (SGH) đang sở hữu khách sạn Saigon Hotel toạ lạc tại vị trí trung tâm thành phố với mặt tiền 41- 47 Đông Du, quận 1, TPHCM. SGH là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành không ghi nhận thua lỗ trong 2 năm đại dịch. Sang năm 2022, kết quả kinh doanh đã có tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại.

Tính ra, trong giai đoạn đại dịch, SGH không thua lỗ là nhờ đến khoản doanh thu hoạt động tài chính thu về khá đều đặn trong khi mảng kinh doanh cốt lõi là khách sạn không có tín hiệu tích cực. Thế nhưng đến 2022, đây vẫn là hạng mục gồng gánh chính cho doanh nghiệp này.

Cụ thể, năm 2022 lợi nhuận gộp của SGH đạt 9,6 tỷ đồng thì doanh thu hoạt động tài chính tiếp tục đưa về 8,9 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên hơn 7,2 tỷ. Nếu như không có khoản doanh thu tài chính này, lợi nhuận của SGH chỉ còn lại không đáng là bao.

Doanh thu hoạt động tài chính đều đặn thu về được SGH thuyết minh đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trên thực tế, tiền và các khoản tương đương tiền của SGH đã tăng mạnh trong năm 2022 từ 730 triệu đồng lên hơn 112 tỷ đồng. Với khoản mục này, hầu hết các doanh nghiệp sẽ gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn. Ngoài ra, ở hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn, SGH còn gửi tiết kiệm có kỳ hạn hơn 44,5 tỷ đồng và đầu tư vào cổ phiếu Ngân hàng Phương Đông hơn 3,7 tỷ đồng.

Hoạt động của Saigon Hotel từ trước đại dịch vẫn là "nồi cơm" chính của SGH, và doanh nghiệp này vẫn đang khá vất vả để có thể trở lại được giai đoạn vàng son của mình (giai đoạn 2018 - 2019).

Lượt xem: 10
Tác giả: Theo Hải Bình
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...