Prudential bị chỉ ra loạt sai phạm, thu từ bảo hiểm VIB “tuột dốc”

Năm 2023 là thời điểm “vận hạn” của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là hoạt động bancassurance khi hàng loạt sai phạm lớn lần lượt được đưa ra ánh sáng. Chính vì vậy, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2023 đạt khoảng 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm trước. Trong đó, nguồn thu từ bảo hiểm của VIB cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Article thumbnail
Hoạt động bancassurance giữa VIB – Prudential bị ảnh hưởng sau khi Prudential bị thanh tra chỉ ra loạt sai phạm. Ảnh: Chụp màn hình.

Nguồn thu từ bảo hiểm của VIB “tuột dốc”

Bancassurance, mô hình liên kết kinh doanh bảo hiểm phổ biến giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng ngày càng phổ biến trong hơn 10 năm gần đây.

Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Prudential Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành Bảo hiểm nói chung và trong hoạt động bancassurance nói riêng. Prudential Việt Nam đã hợp tác với rất nhiều nhà băng để thực hiện nghiệp vụ bán bảo hiểm qua ngân hàng. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là đối tác nổi bật của Prudential Việt Nam.

Ngày 10/12/2015, Prudential Việt Nam và VIB chính thức ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược lâu dài, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng trong thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, nguồn thu từ bảo hiểm lần đầu tiên được VIB công bố trong năm 2018.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của VIB, chỉ tiêu thu phí hoa hồng bảo hiểm năm 2018 của nhà băng này đạt 240 tỷ đồng, tăng 160,8 tỷ đồng, tương đương 203% so với con số 79,2 tỷ đồng năm 2017.

Sau đó, hoạt động bancassurance tại VIB bứt tốc mạnh mẽ khi chỉ tiêu thu phí hoa hồng vọt lên 1.112 tỷ đồng (năm 2019), 1.217 tỷ đồng (năm 2020), 1.196 tỷ đồng (năm 2021), 1.303 tỷ đồng (năm 2022).

Tuy nhiên, năm 2023 là thời điểm “vận hạn” của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là hoạt động bancassurance khi hàng loạt sai phạm lớn lần lượt được đưa ra ánh sáng. Rất nhiều khách hàng đã chịu thiệt hại nặng nề khi mang tiền đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng rồi nhận ra mình đã mua BHNT.

Chính vì vậy, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2023 đạt khoảng 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm trước đó. Đà giảm tại VIB thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Dịch vụ đại lý bảo hiểm năm 2023 của VIB chỉ còn 880 tỷ đồng, giảm 423 tỷ đồng, tương đương 32,5% so với năm 2022.

Chưa dừng lại ở đó, bước sang năm 2024, hoạt động bancassurance tiếp tục hụt hơi. Dịch vụ đại lý bảo hiểm quý 1/2024 chỉ tăng nhẹ so với 118 tỷ đồng cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ đạt 121 tỷ đồng.

Trước đó, chỉ tiêu này cao hơn rất nhiều, lần lượt đạt 214 tỷ đồng (quý 1/2022), 268 tỷ đồng (quý 1/2021), 196 tỷ đồng (quý 1/2020), 209 tỷ đồng (quý 1/2019),

Prudential bị chỉ ra loạt sai phạm

Hoạt động bancassurance giữa VIB – Prudential bị ảnh hưởng sau khi Prudential bị thanh tra chỉ ra loạt sai phạm.

Cụ thể, hồi tháng 8/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thông báo Kết luận thanh tra về việc thanh tra chuyên đề tại Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam. Hàng loạt sai phạm, trong đó có sai phạm liên quan đến việc bán bảo hiểm đã được chỉ ra.

Theo kết quả thanh tra, về các trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Qua thanh tra chọn mẫu, phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

Cụ thể, có 4 đại lý bảo hiểm cá nhân, 13 nhân viên ngân hàng chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục, các bước thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm do Công ty Prudential Việt Nam quy định. Có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm. Có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa bảo đảm chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định của Công ty Prudential Việt Nam.