Phá sản, kiệt quệ, nợ hàng tỷ đồng sau khi dốc vốn vào quán karaoke
Thời gian phải dừng hoạt động quá lâu khiến nhiều chủ quán karaoke "ôm" núi nợ để cầm cự, có người còn phá sản ngay cả khi khoản nợ hàng tỷ đồng chưa thể trả.
“Tạm dừng hoạt động để sửa chữa”, "Cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện hoạt động"... là những tấm biển dễ dàng nhìn thấy bên ngoài các quán karaoke lớn, nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội cả nửa năm nay.
Gần 5 tháng trôi qua đợi cơ quan chức năng tổng kiểm tra công tác an toàn PCCC trên phạm vi cả nước, hàng loạt quán karaoke không đảm bảo quy định PCCC đã bị xóa sổ. Nhiều quán khác do không thể cầm cự sau thời gian mòn mỏi chờ cũng chấp nhận "bỏ cuộc chơi". Còn lại đều đang kiệt quệ, cầm cự mong đến ngày được hoạt động trở lại.
"Phá sản vì nợ nần rồi, còn gì nữa đâu"
Đó là câu than thở của ông Nguyễn Thế Học (tên nhân vật đã thay đổi) - chủ một cơ sở kinh doanh karaoke ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - khi trò chuyện với VTC News về kết cục buồn của mình. Ông Học kể đã phải chấp nhận bỏ nghề kinh doanh karaoke sau hơn 10 năm gắn bó, cơ sở vốn hoành tráng, tấp nập ngày nào nay phải đập bỏ hoàn toàn.
Ông Học kể, sau thời gian đóng cửa vì dịch bệnh kéo dài, dù kinh tế đã cạn kiệt nhưng ông vẫn cố vay mượn người thân và cả ngân hàng hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở karaoke của mình, với hy vọng hoạt động ổn định sẽ nhanh chóng trả được nợ.
Tuy nhiên, mở cửa được ít tháng, các quán karaoke ở Hà Nội tiếp tục phải dừng hoạt động. Từ đây, với ông là cơn ác mộng nợ nần. Tiền lãi ngân hàng mỗi tháng vài chục triệu đồng, tiền mặt bằng, tiền lương nhân viên…đã đẩy mức chi phí hàng tháng của gia đình ông phải bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng. Dù cố cầm cự, bịt chỗ nọ, bù chỗ kia nhưng không thể gồng gánh thêm sau gần 5 tháng chịu đựng, ông Học tuyên bố phá sản.
“10 năm sống với nghề, không ai muốn bỏ cả. Nhưng tình hình như thế, mức phí duy trì quá cao, tương lai hoạt động trở lại cũng mông lung. Cả nhà trông chờ vào mỗi cơ sở kinh doanh này nên nguồn thu cũng không có. Những ngày quyết định thanh lý quán là những ngày tôi suy sụp nhất vì đã mất tất cả” , ông Học buồn rầu.
Theo ông Học, số tiền sửa chữa cơ sở kinh doanh karaoke lên tới hàng tỷ đồng nhưng khi thanh lý chỉ được vài trăm triệu, không đủ trang trải cho những khoản vay trước đó. Hiện ông phải làm thêm việc bán điện thoại để duy trì sinh hoạt tạm thời và có thể kiếm tiền trả khoản nợ quá lớn đang treo trên đầu.
Những ngày quyết định thanh lý quán là những ngày tôi suy sụp nhất vì đã mất tất cả
Chủ quán karaoke ở Hà Nội
Đồng cảnh ngộ, ông Trần Anh Tú (cổ đông cơ sở kinh doanh karaoke tại khu vực Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng ngậm ngùi trả mặt bằng, thanh lý tài sản từ cả tháng nay.
“Quán tôi có 3 cổ đông, vì thế mức thiệt hại được chia 3 nhưng cũng lên tới hàng tỷ đồng mỗi người. Nhiều năm gần đây, cơ sở kinh doanh của tôi liên tục sửa chữa để đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Gần như số tiền kinh doanh được đều đổ vào việc sửa chữa, nhưng hiện quán tiếp tục phải dừng hoạt động và bị yêu cầu sửa chữa khắc phục. Quá chán nản, nhóm cổ đông chúng tôi bàn bạc và đi tới quyết định dẹp quán, trả lại mặt bằng. Số tiền tích cóp bao nhiêu năm cũng theo đó mà hết sạch, chưa kể còn vướng nợ nần” , ông Tú nói.
Theo ông Tú, nhiều chủ quán khác không được may mắn như ông khi phải ôm hàng tỷ đồng tiền nợ, thậm chí phải trốn khỏi Hà Nội vì không còn khả năng trả nợ.
Cầm nhà, bán đất, vay trong, vay ngoài để sửa chữa
Từ nhiều tháng nay, trước và trong khuôn viên quán karaoke DuBai (đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP.HCM) là đống vật liệu ngổn ngang, cửa xếp chồng lên nhau phủ đầy bụi. Chị Phan Thị Liên (chủ quán) cho hay, quán liên tục sửa chữa để đảm bảo các quy định PCCC mà cơ quan chức năng yêu cầu.
Nhưng dù đã bỏ ra số tiền lớn, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào cấp phép cho quán được hoạt động lại.
" Tiền thuê mặt bằng hơn 200 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền sửa chữa, tiền duy trì quán...đều đổ xuống đầu. 5 tháng qua gia đình tôi gần như bị khánh kiệt, toàn bộ tài sản đã thế chấp vào ngân hàng. Nếu bây giờ chính quyền không có hướng giải quyết sớm chắc chúng tôi phá sản mất ", chị Liên nói.
Anh Huỳnh Văn Cường (chủ hệ thống karaoke Star, quận Gò Vấp) cho hay, trước khi đi vào hoạt động, các cơ sở của anh đã đảm bảo được tiêu chuẩn về PCCC và đã được cơ quan chức năng cấp phép nghiệm thu theo Thông tư 47 năm 2015. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu cải tạo, sửa chữa lại phải đáp ứng theo Thông tư 147 năm 2020.
Anh Cường đã nộp hồ sơ xin thẩm duyệt nhưng chưa thấy phản hồi từ Phòng CCCC&CNCH (PC07) Công an TP.HCM.
" Trong phần phụ lục kèm theo công văn số: 2495/C07-P7 ngày 13/9/2022 của PC07 đã nhắc lại quy định này rất cụ thể, nhằm tránh tình huống áp dụng sai trong thực tế. Tuy nhiên, hiện lực lượng quản lý PCCC yêu cầu quán tôi phải thay thế toàn bộ vật liệu trang trí tại tất cả phòng hát bằng vật liệu không cháy và khó cháy kể cả với các phòng hát nhỏ dưới 50m2 là chưa chính xác theo quy định thông tư 147/2020 và công văn 2495/ C07-P7 của cục cảnh sát PCCC và CNCH ”, anh Cường nói.
Anh Cường cho biết thêm, khi các cấp chính quyền đến kiểm tra, yêu cầu khắc phục, anh đã cho triển khai thực hiện ngay. Chi phí sửa chữa mỗi cơ sở lên đến 3,5 tỷ đồng, tuy nhiên sửa xong vẫn chưa được hoạt động.
Hiện hàng tháng anh Cường phải trả 1 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, chưa kể tiền nhân viên, tiền thuê mặt bằng từ 135 - 380 triệu đồng/tháng, tiền duy trì hệ thống thiết bị điện tử...khiến anh Cường dần đi vào bế tắc.
“ Dịch COVID-19 đóng cửa, chúng tôi được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê mặt bằng, ngân hàng cho giãn nợ, còn bây giờ đóng cửa mà không được hỗ trợ gì cả. Tôi đã bán 2 căn nhà và các tài sản bất động sản để duy trì nhưng chẳng thấm vào đâu. Nếu tiếp tục tình trạng đóng cửa vô thời hạn thế này, chắc tôi phải trả bớt mặt bằng, chấp nhận mất cọc ", anh Cường buồn bã nói.
Cũng cố gắng đem những đồng tiền cuối cùng trong nhà để duy trì và sửa chữa cơ sở kinh doanh của mình, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, chủ quán karaoke Melody (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, cơ sở kinh doanh của bà luôn trong vòng xoáy sửa chữa, hoạt động, rồi lại sửa chữa theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Việc sửa chữa nhiều vừa tốn kém, lại ảnh hưởng đến kết cấu an toàn của công trình. Tuy nhiên, cứ được phê duyệt đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được bao lâu, cơ sở của bà lại phải sửa lại.
“ Chúng tôi không thể chạy theo các quy định thay đổi liên tục như thế được. Với những cơ sở đã hoạt động theo tiêu chuẩn cũ và được phê duyệt như chúng tôi lẽ ra phải được hoạt động bình thường, có thời hạn phê duyệt trong bao lâu. Không thể mỗi khi thay đổi quy định chúng tôi lại phá dỡ để sửa chữa theo ”, bà Thủy bức xúc.
Theo bà Thủy, hiện quán karaoke của bà đã bóc toàn bộ những vật liệu cũ để thay thế bằng những vật liệu mới đảm bảo yêu cầu không cháy và khó cháy. Nếu lần sửa chữa này vẫn không đạt yêu cầu có lẽ cơ sở kinh doanh karaoke của bà cũng phải tuyên bố phá sản.
Tôi đã bán 2 căn nhà và các tài sản bất động sản để duy trì nhưng chẳng thấm vào đâu.
Anh Huỳnh Văn Cường, chủ hệ thống karaoke Star, quận Gò Vấp, TP.HCM
Mòn mỏi chờ thẩm duyệt
Bước vào trong quán karaoke Táo Đỏ (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM), phóng viên ngạc nhiên khi thấy hệ thống máy móc, dây điện ngổn ngang, phủ bụi từ bàn đến sân.
Hỏi ra mới biết, trước đây quán Táo Đỏ được thiết kế với các trang thiết bị hiện đại, tuy nhiên khi bị nhắc nhở về PCCC, cơ sở đã thay toàn bộ vật liệu trang trí, màn hình Led, tấm giả đá, tấm gương inox... để đưa tất cả lại về vật liệu thô sơ, trả lại bức tường với những hình vẽ bằng sơn nước, những bộ bàn ghế đơn sơ.
Anh Lê Hoàng Quân (quản lý quán) cho hay, dù cơ sở làm theo hướng dẫn nhưng vẫn bị đình chỉ hoạt động. Khi tháo dỡ đã mất phí đầu tư ban đầu lên đến 500 triệu đồng/phòng, chưa kể phí duy trì hàng tháng, tiền mặt bằng là 200 triệu đồng, phí nhân viên hơn 60 triệu đồng và rất nhiều khoản khác mà không có bất kỳ nguồn thu nào.
“ Chúng tôi đã làm là theo yêu cầu của PC07 và đơn vị PCCC của quận, nhhưng khi tháo dỡ và sửa sang xong, vẫn không được kinh doanh trở lại . Chúng tôi mong muốn có một văn bản hướng dẫn cụ thể để biết phải làm gì đáp ứng đủ yêu cầu và có thể hoạt động kinh doanh trở lại" , anh Quân nói.
Tương tự, anh Nguyễn Quế Sơn (đại diện hệ thống karaoke iCool) cho biết, thời gian qua, doanh thu của hệ thống bị thiệt hại rất lớn khi vừa trải qua đợt dịch kéo dài, giờ lại đến cảnh chờ thẩm duyệt và chưa hẹn ngày được mở cửa.
Anh Sơn cho biết thêm, PC07 Công an TP.HCM đang yêu cầu thẩm duyệt lại toàn bộ các cơ sở karaoke trên địa bàn theo quy chuẩn mới. Nhưng nghịch lý là, dù quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC mất nhiều tháng nhưng cán bộ quận đi kiểm tra lại yêu cầu quán karaoke ICool phải xin thẩm duyệt lại trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.
Karaoke iCool hiện có hơn 20 cơ sở, hàng tháng tuy không được hoạt động nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng và tiền lương cho một số nhân viên. Chi phí cải tạo ước tính đã lên tới 2 - 4 tỷ đồng/cơ sở, chủ quán đã phải vay mượn bạn bè cũng như vay mượn ngân hàng rất nhiều để cầm cự.
Công an Hà Nội hỏa tốc yêu cầu gỡ khó cho chủ quán karaoke
Phòng tham mưu, Công an TP Hà Nội mới đây có văn bản hỏa tốc thông báo ý kiến chỉ đạo của Đại tá Dương Đức Hải, Phó giám đốc Công an TP về việc triển khai biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan các cơ sở kinh doanh karaoke trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội giao phòng PC06, PC07 khẩn trương thống nhất về số liệu các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn, lập danh sách theo từng địa bàn đảm bảo đầy đủ, rõ ràng thông tin về địa chỉ, chủ đầu tư, thẩm quyền xác nhận điều kiện về PCCC, khả năng khắc phục các tồn tại về PCCC theo 5 nhóm.
Bên cạnh đó, giao phòng PC07 khẩn trương xây dựng báo cáo của Công an TP báo cáo Bộ Công an; Báo cáo của UBND TP báo cáo Chính phủ, Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan (nếu có) về thực trạng công tác PCCC và đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong lĩnh vực PCCC, trình lãnh đạo CATP trước ngày 20/2.