Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Người dễ thành công thường có 3 đặc điểm, một trong số đó là biết cách vay tiền
Theo Phùng Luân, mẫu số chung của doanh nhân trên toàn thế giới khi mới lập nghiệp là thiếu tiền. Bạn cần học cách vay tiền mới có thể thành công.
Ông trùm bất động sản Phùng Luân, nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Vantone là huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc. Ở tuổi 32, ông rời bỏ vị trí công chức ổn định, cùng 5 người bạn từ 30.000 NDT thành công kiếm được 18 triệu NDT, lãi ròng 3 triệu NDT. Ở đỉnh cao, tổng tài sản của Vantone lên đến 7 tỷ NDT.
Từ một người bình thường trở thành tỷ phú, trải qua không ít thăng trầm suốt 30 năm, thành công của ông không chỉ dựa vào may mắn mà còn nhờ tư duy làm giàu. Theo vị tỷ phú này, "Hầu hết những người thành công khi khởi nghiệp đều có 3 đặc điểm, không dễ thấy nhưng rất quan trọng"
1. Thích đọc và tự học
Phùng Luân cho rằng: "Chúng ta cần tiếp thu kiến thức mới và tự soi chiếu bản thân thông qua việc đọc, từ đó có thể tự sửa chữa và hoàn thiện chính mình".
Việc học tập của nhiều người kết thúc đột ngột sau khi tốt nghiệp đại học. Thậm chí còn có người nói đùa rằng: “Thời gian hiểu biết nhất trong cuộc đời tôi là năm thứ ba trung học”. Trên thực tế, nhiều người chỉ học cho các kỳ thi học thuật. Nhưng vẫn có những người thực sự yêu thích đọc sách và coi đọc sách là cửa sổ nhìn ra thế giới.
Nếu một người bình thường muốn có trí tuệ, anh ta phải gặp một người thầy giỏi hoặc đọc nhiều sách hơn. Dễ thấy những người thành công hoặc đạt được kết quả nhất định trong lĩnh vực của họ đều thích đọc.
Charlie Munger, cố vấn của Warren Buffett và là nhà đầu tư huyền thoại thường được gọi là "The Walking Bookself". Chính nhờ lượng đọc sách khổng lồ mà Charlie Munger đã dần hình thành hệ thống tư duy của riêng mình, nhờ đó ông có thể nắm bắt chính xác phương hướng đầu tư và đạt được thành công trong cuộc sống.
Hay như tỷ phú lừng danh Bill Gates từng nhiều lần chia sẻ sự quan trong của việc đọc trong hành trình khởi nghiệp của ông. Một năm ông có thể đọc đến 50 cuốn sách và vẫn duy trì thói quen đó ngay cả khi đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Để bắt kịp sự thay đổi chóng mặt của xã hội hiện nay, việc dành thời gian để kiên trì học hỏi, cập nhật thông tin và kiến thức mới rất quan trọng, nếu không bạn sẽ dễ dàng bị đào thải.
2. Biết cách vay tiền
Theo tỷ phú bất động sản, mẫu số chung của doanh nhân trên toàn thế giới khi mới lập nghiệp là thiếu tiền. Ngay cả khi bạn có một số tiền tiết kiệm, sẽ có lúc bạn cần đến nguồn tiền bên ngoài.
Như số vốn 30.000 NDT của Phùng Luân ban đầu cũng là đi vay. Sau khi đăng ký công ty thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Ông cùng những người bạn khi đó ngồi bên lề đường, giống những người lao động nhập cư để suy nghĩ cách kiếm tiền với số vốn ít ỏi còn lại này.
Sau đó Phùng Luân vô tình biết được 1 dự án 8 căn biệt thự có tiềm năng kiếm ra tiền, nhưng giá trị của nó lên đến 18 triệu NDT. Nhóm của ông khi đó hoàn toàn không có tiền mua. Vậy nên Phùng Luân tìm một công ty ủy thác để đàm phán: "Tôi có một dự án, tôi sẽ trả 13 triệu NDT, công ty sẽ trả 5 triệu NDT, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện."
Bên kia không từ chối, nhưng vẫn đưa ra rất nhiều yêu cầu. Phùng Luân chấp nhận, vội vàng cầm 5 triệu từ công ty này đến ngân hàng để vay số tiền còn lại. Đó là bước đệm đầu tiên trong sự nghiệp thành công của ông.
Phùng Luân chỉ ra 2 cách hiệu quả đã giúp ông vay tiền dễ dàng hơn.
Thứ nhất là phải khiêm tốn, biết "cúi xuống" khi cần. Người tài giỏi đến mấy, khi chân yếu cũng không sợ mất mặt, chỉ thất bại mới thực sự mất mặt. Thứ gọi là thể diện không phải do người khác cho, mà do chính mình kiếm được. Chỉ cần bạn xác định mục tiêu của mình và cái giá tối đa bạn có thể trả, bạn sẽ biết mình có thể đi được bao xa.
Thứ hai là luôn trung thực. Vay và trả không khó, miễn là bạn không sử dụng những lý do hay lời hứa quanh co để lừa dối bất kỳ ai. Ông trùm dầu mỏ Rockefeller từng khuyên con trai mình đừng sợ vay tiền. Trong một lần nhà máy bị cháy, nếu đợi công ty bảo hiểm bồi thường sẽ không thể tiếp tục sản xuất trong một thời gian. Quá tuyệt vọng, Rockefeller đã phải đến ngân hàng để thương lượng một khoản vay.
Nhưng khoản vay trước chưa trả được, hiện ông đang gặp khó khăn nên phía ngân hàng chần chừ. Lúc này, một người bạn đã đứng dậy lấy két sắt ra bảo lãnh cho Rockefeller. Chính vì ông trùm dầu mỏ luôn rất đáng tin cậy nên nhận được sự trợ giúp vào thời điểm quan trọng như tình huống kể trên.
3. Mạnh mẽ theo cách của voi
Phùng Luân rất thích voi. Ông đã từng đến Châu Phi nhiều lần để xem các cuộc di cư của động vật, so sánh hiệu suất của sư tử và voi, sau đó đúc rút ra cả "triết lý voi” được sử dụng hiệu quả trong việc quản lý công ty.
Đầu tiên, hãy nhìn vào thức ăn của voi. Chúng ăn cỏ, chừng nào đồng cỏ còn tồn tại, chúng sẽ có thứ để ăn, không cần tranh giành với ai. Voi sống theo bầy đàn và cùng bảo vệ nhau.
Thứ hai, voi không bao giờ chủ động tấn công người khác, và nó có lớp da dày để bảo vệ nên không sợ người khác tấn công. Biết cách tự bảo vệ mình là điều kiện cơ bản nhất để sống sót giữa cuộc sống hoang dã.
Cuối cùng, trong trường hợp bị tấn công, con voi có thể sử dụng răng và vòi của mình để phản công hoặc trực tiếp nghiền nát đối thủ. Phương pháp đơn giản nhất cũng thường là hiệu quả nhất.
Một là, để duy trì vị thế mạnh mẽ, bạn không cần chủ động tấn công hay khiêu khích người khác mỗi ngày, luôn đặt bản thân luôn trong tư thế cạnh tranh “anh chết thì tôi mới sống” mà hãy làm những điều mà "ai cũng có thể sống".
Hai là, có năng lực tự bảo vệ, thương trường là chiến trường.
Ba là, khi gặp hiểm nguy phải bình tĩnh, không sợ hãi, tìm cách hạ gục trực tiếp đối thủ nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn biết con voi sợ nhất điều gì không? Đó là con kiến, loài vật nhỏ bé chẳng bằng một phần móng chân con voi. Nhưng kiến có khả năng chui vào đầu vòi và lỗ mũi voi, nơi chứa nhiều dây thần kinh nhạy cảm khiến con voi khó chịu, phải tìm cách né tránh kiến. Vậy nên, ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn mạnh mẽ, bạn phải cẩn thận trong từng chi tiết. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng khiến bạn lãng phí mọi nỗ lực trước đó đổ bể.
Kết lại
Phùng Luân luôn nhấn mạnh con đường khởi nghiệp của mỗi người đều rất gian nan, tiến đến thành công sẽ còn cả một quãng dài gập ghềnh phía trước. Ông viết: “Từ ngày bạn bắt đầu kinh doanh, bạn phải nghĩ về điều đó: bạn muốn thay đổi cách sống chứ không phải kiếm tiền. Nếu bạn muốn chọn một cuộc sống đặc biệt, thì hãy chọn khởi nghiệp".