Những sức ép nào buộc "vua thép" Trần Đình Long phải đóng cửa một nửa số lò cao của Hòa Phát?

Trước những yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường, quý III chứng kiến toàn ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ với màu sắc ảm đạm trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép bao gồm cả Hòa Phát. Điều này khiến công ty đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa 4/7 số lò cao của mình.

Những sức ép nào buộc "vua thép" Trần Đình Long phải đóng cửa một nửa số

Một quyết định khó khăn

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết sản lượng thép thô trong tháng 10 giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.

Từ quý III đến nay, sản lượng sản xuất và bán hàng của tập đoàn giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng 10 vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.

Hoà Phát cho biết trong thời gian tới, tập đoàn sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.

Trong một thông báo gửi các đối tác ngày 4/11, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết sẽ tạm dừng hoạt động 4 lò cao (2 lò ở Dung Quất và 2 lò ở Hải Dương). Đồng thời, công ty cho biết thêm đến đầu tháng 12 có thể phải dừng thêm 1 lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất. Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương.

Phía Hoà Phát cho biết trong bối cảnh tình hình thị trường thép đang khó khăn như hiện nay, việc giảm sản lượng là biện pháp tốt nhất để tồn tại.

Như vậy, điều không mong muốn của “anh cả” ngành thép cũng đã xảy ra bởi chủ trương của Hoà Phát là vận hành tối đa công suất để tối ưu chi phí sản xuất.

Hồi tháng 5/2022, tại ĐHĐCĐ, trước câu hỏi liệu rằng Hoà Phát có ý định giảm sản lượng không khi thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho rằng việc vận hành tối đa công suất vẫn là phương án tối ưu nhất.

“Chúng tôi luôn tính toán kịch bản thị trường xấu nhất bởi thời gian tới còn nhiều yếu tố rủi ro và thị trường đang đi xuống. Với Hoà Phát, lợi thế là quy mô lớn, do đó việc hoạt động tối đa công suất vẫn là tốt nhất để tối ưu chi phí. Trong giai đoạn này Hoà Phát vẫn phải sản xuất hết công suất và tăng cường công tác bán hàng”, ông Thắng nói.

Trong quý III/2022, Hoà Phát ghi nhận doanh thu 34.103 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, giá vốn tăng 23,5% khiến biên lợi nhuận gộp ở mức thấp nhất từ cuối năm 2013 còn 2,9%, trong khi quý I/2022, con số này là 23%. Biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% trong quý I xuống còn -5% trong quý III.

Những sức ép buộc Hoà Phát phải đóng cửa một nửa số lò cao - Ảnh 1.

Số liệu: BCTC Hoà Phát

Sau khi trừ các khoản chi phí, Hoà Phát lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng trong quý III và lần lỗ đầu tiên kể từ năm 2008. Mặc dù vậy, Hoà Phát tiếp tục duy trì dẫn đầu mảng thép xây dựng với thị phần gần 36%.

Những sức ép buộc Hoà Phát phải đóng cửa một nửa số lò cao - Ảnh 2.

Số liệu: VSA

Hoà Phát không phải là doanh nghiệp duy nhất phải tuyên bố đóng cửa lò cao vì thị trường xấu . Hồi cuối tháng 9, CTCP Thép Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện.  Đồng thời, Pomina phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Trong bối cảnh thị trường thép khó khăn như hiện nay, việc giảm sản lượng là lựa chọn không dễ dàng, nhưng có lẽ là lựa chọn tốt nhất để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Giá giảm, áp lực tỷ giá và chi phí tài chính tăng cao

Thép là ngành công nghiệp nền tảng và có độ phụ thuộc cao vào tình trạng của nền kinh tế. Sau một năm đặc biệt thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh thép 2021, năm 2022 trải qua những biến động vĩ mô trên toàn cầu như xung đột vũ trang, suy thoái kinh tế sau COVID-19 và lạm phát, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực có dư âm dài hạn và đồng thời dồn dập.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, do tín dụng của ngành này bị siết chặt, cũng góp phần khiến tiêu thụ thép trên thị trường trong nước giảm mạnh.

Trước những yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường, quý III chứng kiến toàn ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chất chu kỳ trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép, bao gồm cả Hòa Phát.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 giảm 21% so với tháng 8, xuống 920.248 tấn.

Những sức ép buộc Hoà Phát phải đóng cửa một nửa số lò cao - Ảnh 3.

Bán hàng thép xây dựng giai đoạn 2019 - tháng 9/2022. Số liệu: VSA

Nhu cầu thép thực tế trong nước ở mức thấp và xuất khẩu giảm do giá cao hơn khu vực. Theo đó, xuất khẩu thép xây dựng trong tháng 9 giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 113.158 tấn. Các yếu tố này khiến lượng bán hàng thép tổng tháng 9 giảm sút so với tháng 8.

Ngoài thép xây dựng, tiêu thụ một số sản phẩm thép khác thuộc nhóm thép phẳng trong tháng 9 cũng ghi nhận mức giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, bán hàng tôn mạ kim loại sơn phủ màu giảm 41,6% xuống 299.326 tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 104.494 tấn, giảm mạnh 72,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của sản phẩm này giảm 33% xuống 1,6 triệu tấn (chiếm 50% lượng tổng lượng tiêu thụ).

Than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. Trong khi quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu, thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022.

Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới, đã dấy lên lo ngại thái quá về thiếu hụt nguồn cung dẫn đến cú sốc về giá than lên cả phần còn lại thị trường.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy dòng chảy cung ứng cũ và việc thiếu chu trình vận tải cho các cung đường mới làm tăng chi phí vận chuyển, khiến giá nguyên liệu nhập khẩu càng cao hơn.

Giá than đã tăng gấp ba mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 5. Mặc dù hiện tại giá than đã hạ nhiệt, nhưng theo chia sẻ của ông Tuấn, vòng quay hàng tồn kho nguyên liệu thông thường khoảng 3 tháng và tồn kho hàng thành phẩm là 1 tháng, giá thành sản xuất thép quý III phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý này tăng mạnh 6.290 tỷ đồng, tương đương 23% so với quý III/2021.

Giá bán thép xây dựng đã trải qua 19 nhịp điều chỉnh giảm kể từ tháng 5/2022. Giá bán bình quân quý III của thép xây dựng giảm 3%, của HRC giảm 26% và các sản phẩm từ HRC như ống thép, tôn giảm lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tiêu thụ một số sản phẩm của Hòa Phát tăng nhưng chưa bù đắp kịp mức ảnh hưởng theo chiều ngược lại của giá bán, dẫn đến doanh thu giảm. Ngoài ra, trong bối cảnh giá bán liên tục giảm và giá thành sản xuất cao, các khoản dự phòng hàng tồn kho trong quý trước chưa được hoàn nhập và còn phải trích lập bổ sung trong quý này với số tiền 137 tỷ đồng.

Như vậy, bên cạnh áp lực về chi phí nguyên vật liệu, giá vốn hàng bán của Tập đoàn đồng thời phải chịu thêm gánh nặng từ khoản dự phòng hàng tồn kho, góp phần làm "mỏng" thêm biên lợi nhuận quý III.

Ngoài ra, Hoà Phát phải chịu gánh nặng chi phí tài chính tăng lên. Tháng 9, FED đã nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức rất cao tại Mỹ. Tuy thị trường tín dụng Việt Nam đang giữ một độ trễ khá dài về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt so với thế giới, nhưng lãi suất cũng đã bắt vào đà tăng trong quý III/2022 và đang dần gây áp lực lên chi phí vay vốn của các doanh nghiệp.

Theo đó, lãi suất đi vay của Hòa Phát đã bắt đầu tăng trong quý III khiến cho dù dư nợ vay giảm so với quý trước, chi phí lãi vay quý này vẫn tăng 17% từ 717 tỷ đồng lên 837 tỷ đồng.

Bên cạnh lãi vay, tỷ giá là nguyên nhân chính dẫn làm chi phí tài chính của tập đoàn quý này tăng ở mức đáng kể 1.341 tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với quý III/2021.

Giá đồng USD đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Với nguyên liệu than và quặng sắt chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và một phần dư nợ vay bằng USD, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận trong quý này tổng lỗ chênh lệch tỷ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ.

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Everest (EVS Research) nhận định ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm.

Sau quý III ảm đạm, EVS Research dự báo rằng ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV, khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, giá thép có thể sẽ duy trì ở mức thấp do giá nguyên liệu sản xuất như than cốc, quặng sắt đã hạ nhiệt.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá HRC giảm và nhu cầu ở nước ngoài trầm lắng kể từ tháng 4 và tháng 5. Sức tiêu thụ sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước, ít nhất là đến cuối năm.

“Cạnh tranh mạnh hơn trong một thị trường quy mô nhỏ dường như hạn chế khả năng tăng giá bán, do đó hạn chế khả năng phục hồi biên lợi nhuận. So với quý II, lượng tiêu thụ trong tháng 7, tháng 8 giảm kết hợp với tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm có thể dẫn đến việc ghi nhận lỗ trong quý III” , VDSC nhận định

Lượt xem: 17
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...