Những dấu ấn mới trên thị trường thế giới
Năm 2022 là một năm thắng lợi của công tác mở cửa thị trường nông sản. Là vùng có thế mạnh về lúa gạo và cây ăn trái, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tự hào khi góp phần không nhỏ trong việc giúp nông sản Việt “đặt dấu chân” lên hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Đặc biệt, gạo và trái cây-hai thế mạnh của vùng cũng trở thành điểm sáng trong xuất khẩu khi lần lượt tiếp cận được những thị trường hàng đầu thế giới.
Gạo Việt khẳng định tên riêng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng xuất khẩu gạo mà chủ yếu là ở ĐBSCL trong tháng 1-2023 đạt 400.000 tấn, trị giá 305 triệu USD. Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL "tự hào" khi vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như: Nhật Bản, EU... và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000USD/tấn. Không chỉ sản lượng xuất khẩu và giá thành như mong đợi, 2022 còn là năm gạo Việt xác lập vị thế mới với những cái tên riêng góp mặt trên kệ hàng các chuỗi siêu thị từ Nhật Bản đến châu Âu.
Nếu như thời điểm năm 2020 chỉ có Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cắt nguồn cung gạo xá (gạo đóng gói nhưng không có nhãn mác, thương hiệu) cho các khách hàng châu Âu để chuyển sang cung ứng gạo thương hiệu Trung An thì đến cuối tháng 6-2022, Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo mang thương hiệu A An vào Nhật, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt Nam được xuất khẩu thành công vào thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.
Cũng trong năm 2022, có 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của Tập đoàn Lộc Trời “Cơm Việt Nam Rice” đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chính thức hiện diện trên kệ của hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu-Carrefour. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Lộc Trời và cũng là lần đầu tiên thương hiệu gạo của Việt Nam được đưa vào hai đại siêu thị là Carrefour (hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu) và Leclerc (hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp). Thông qua hai hệ thống siêu thị bán lẻ này, gạo “Cơm Việt Nam Rice” không chỉ tiếp cận người tiêu dùng Pháp mà đã đến với thị trường Đức, Hà Lan...”.
Công nhân chế biến trái cây xuất khẩu tại nhà máy chế biến trái cây của Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang. |
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, năm qua, gạo ST25 được nhập khẩu chính ngạch, bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu, thậm chí được chọn đưa vào bếp ăn Văn phòng Nội các Nhật Bản là minh chứng cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng của ngành nông nghiệp. Việc khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính đã tạo đà cho gạo Việt ngay những ngày đầu năm 2023. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: “Công ty Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo đến đầu quý II-2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm”.
Rộng cửa cho trái cây đồng bằng
Ngoài gạo, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và sức mua thị trường giảm sút, năm 2022, xuất khẩu trái cây ĐBSCL đã có những bứt phá khi nhiều loại trái cây vào danh sách xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường quan trọng, đáng chú ý nhất là chuối, sầu riêng lần đầu xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, nhãn tươi đi Nhật Bản, bưởi da xanh đi Mỹ, New Zealand... Với người dân ĐBSCL, đầu năm 2023, sau hơn một tháng xuất phát, lô bưởi đầu tiên của Bến Tre vận chuyển bằng đường tàu biển đã đến Mỹ và nhận được lời khen của người tiêu dùng. Quả bưởi được Mỹ cấp phép nhập khẩu vào cuối năm 2022 được kỳ vọng mang lại giá trị xuất khẩu lớn trong tương lai.
Là một trong những doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, mới đây là xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Mỹ, Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tăng trưởng gấp đôi doanh số xuất khẩu. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho hai sản phẩm sầu riêng và bưởi. Trong thời gian tới, Chánh Thu tiếp tục nâng cao liên kết với nông dân và các đơn vị khác để có được vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bến Tre xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi để đưa nhiều sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ”.
Việc mở cửa vào được thị trường khó tính, ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch, cũng là tạo động lực cho nông dân sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả tăng lên. Điển hình như giá sầu riêng đã tăng gấp 3 so với trước khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho hay: “Đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1-2023 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng xuất sang Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này. Mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh, do vậy, đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc”.
“Chìa khóa vàng” để khai thác các thị trường
Cánh cửa tiếp cận thị trường đã mở rộng đối với nhiều loại nông sản thế mạnh của vùng ĐBSCL, tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu chính như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản đều rất khó tính. Vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu đều khuyến cáo, “chìa khóa” quan trọng nhất để khai thác hiệu quả, lâu dài các thị trường là tuân thủ những tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra, bảo đảm sản xuất bền vững. Để làm được điều này, theo ông Bùi Hồng Quân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vinamit, để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản bền vững đòi hỏi tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết. “Người nông dân cần bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt các chứng nhận về sản xuất mà thị trường yêu cầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, tập trung vào việc bảo đảm chất lượng từng lô hàng chứ không chạy theo số lượng khi chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu”, ông Quân nhấn mạnh.
Hiến kế lâu dài cho ĐBSCL, bà Ngô Tường Vy cho rằng đã đến lúc cần định vị lại sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trước mắt cần lựa chọn ra 5 sản phẩm trái cây là thế mạnh, có tiềm năng cao để xây dựng chiến lược phát triển thành đại diện cho thương hiệu trái cây Việt Nam, làm tiền đề phát triển sản phẩm “Made in Vietnam” trong 5 năm tới.
“Để phát triển thương hiệu trái cây “Made in Vietnam” cần dựa trên 4 trụ cột chính: Nông nghiệp tử tế, nông nghiệp sáng tạo, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn là mấu chốt quan trọng góp phần hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp hiện tại cũng như giảm đi các áp lực về môi trường ở mỗi địa phương, nâng cao được giá trị sản phẩm cho nông dân”, bà Ngô Tường Vy khuyến nghị.
Những dấu ấn mới của nông sản ĐBSCL thời gian gần đây không đơn thuần là xin “visa” để bán quả chuối, quả sầu riêng hay sản phẩm gạo ra thế giới mà đây là “sự khởi đầu hành trình chuyên nghiệp, minh bạch” của nền nông nghiệp để thoát khỏi “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và mù mờ về thông tin. Do đó, để nông sản ĐBSCL vươn xa, “chìa khóa” để mở cửa là tạo ra được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, mặt khác, cần áp dụng công nghệ hiện đại để sản phẩm có giá thành cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại.