NHNN chấp thuận Techcombank tăng vốn điều lệ thêm 63 tỷ đồng

Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động.

Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận Techcombank ( HoSE: TCB ) tăng vốn điều lệ tối đa thêm 63,2 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết ngày 23/4 vừa qua.

Năm 2022, Techcombank tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ngân hàng dự kiến chào bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/ cổ phiếu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Cổ phiếu mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

HĐQT Techcombank cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của ngân hàng. Do đó, ban lãnh đạo đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% thành 22,4595%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2022.

NHNN chấp thuận Techcombank tăng vốn điều lệ thêm 63 tỷ đồng - Ảnh 1.

 

Thị giá cổ phiếu TCB từ đầu năm đến nay. Ngày 5/7, cổ phiếu TCB quanh mức 37.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 15% so với đáy ngày 22/5. Nguồn: TradingView

Năm nay ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế gần 40.137 tỷ đồng.

Nói về việc không chia cổ tức, tại kỳ họp ĐHCĐ hồi tháng cuối tháng 4 ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết quan điểm của ban lãnh đạo luôn nhất quán. Việc chia cổ tức bằng tiền, phát hành thêm để tăng cường vốn, đều phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng.

Ông Hùng Anh cũng cho rằng tất cả các chỉ tiêu quan trọng của ngân hàng đều dựa trên vốn chủ sở hữu, do đó tăng vốn điều lệ là không cần thiết, "phát hành làm giảm giá cổ phiếu trên thị trường tương ứng và cổ đông phải chịu thuế thu nhập cá nhân".

"Một số người nói chia cổ phiếu, giá thấp hơn sẽ giúp cổ phiếu tăng nhanh hơn, tôi không đồng quan điểm. Vì sao cổ phiếu không thể tiếp tục tăng lên giá 100.000-200.000 đồng/cổ phiếu", Chủ tịch Techcombank nói tại đại hội.

Tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản ở mức 615.300 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý I đạt 418.900 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2020. 

Tổng tiền gửi tại 31/3 là 328.900 tỷ đồng, tăng 14,4%. Các nguồn huy động vốn khác cũng tiếp tục được khai thác. Khoản vay hợp vốn tăng gần 3 lần, đạt 34.300 tỷ đồng và giấy tờ có giá đạt 32.700 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

 
 
 
Lượt xem: 87
Tác giả: Theo Nhật Quang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...