Nhiều nhà đầu tư dự án điện gió lo nguy cơ phá sản
Nhiều chủ đầu tư các nhà máy điện gió không kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021 đang mông lung trước viễn cảnh xấu, nguy cơ phá sản có thể xảy ra nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT (được hiểu là biểu giá điện ưu đãi) cho điện gió hết hạn.
Trong đó, dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm.
Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương về kết quả công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.
Cụ thể, số dự án đã vận hành thương mại là 84 với tổng công suất hơn 3.980MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất là hơn 325MW. Như vậy, đến khi kết thúc thời điểm ngày 31/10/2021, có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp COD.
Đáng nói, dù đã hết thời hạn hưởng giá FIT song các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới cho các dự án chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư lo gánh nặng nợ vay.
Nhà đầu tư điện gió kiến nghị xem xét gia hạn Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thêm từ 3-6 tháng để các nhà máy hoàn thiện thử nghiệm COD |
Do đó, nhiều nhà đầu tư điện gió cho rằng, đối với các dự án chưa kịp về đích, Chính phủ nên có chính sách phù hợp cho những nỗ lực của họ để tạo một môi trường năng lượng xanh tại Việt Nam, mặt khác do ảnh hưởng quá lớn của dịch COVID-19 nên nhiều dự án chậm tiến độ bất khả kháng.
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, các Bộ, ngành và cơ quan Quốc hội, nhiều nhà đầu tư điện gió tiếp tục nêu những khó khăn khi không kịp COD.
Cụ thể, Công ty Phong điện Gia Lai cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Vì lý do bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng nhưng chỉ 1/25 trụ (4% công suất điện gió của công ty được công nhận COD trước thời điểm ngày 1/11/2021 để hưởng giá FIT và 24 trụ (96%) còn lại đã hoàn thành nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió.
Tương tự, Công ty Cổ phần Điện gió Hanbaram (Ninh Thuận) cũng cho biết, nhà máy điện gió Hanbaram có công suất 117MW với 29/29 trụ tuabin, khởi công từ tháng 10/2020, đến hết ngày 31/10/2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 trụ, hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ 6/29 trụ (tương đương 20% công suất) của nhà máy được công nhận COD để hưởng giá FIT, còn 23 trụ (80%) đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD.
Theo các nhà đầu tư, việc chậm hoàn thành các thủ tục để được công nhận COD là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới và một số nguyên nhân khách quan khác.
Trong đó, ngoài khó khăn do vận chuyển thiết bị bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 thì quá trình đưa chuyên gia từ nước ngoài sang Việt Nam cũng cực kỳ phức tạp, với các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo ở nhiều nơi khiến thời gian tăng lên từ 6 tuần lên đến 10 tuần.
Các nhà đầu tư cho rằng, nếu không có chính sách tháo gỡ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì không chỉ có chủ đầu tư mà các nhà thầu trong nước và quốc tế có nguy cơ phá sản. Do đó, họ kiến nghị Chính phủ sớm xem xét gia hạn Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thêm từ 3-6 tháng để các nhà máy hoàn thiện thử nghiệm COD.