Nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Nhờ chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt và liên kết sản xuất, vùng nông thôn mới tại TP Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mang giá trị cao, phù hợp với chủ trương của thành phố về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Thành phố cũng đẩy mạnh các giải pháp thiết thực giúp sản phẩm nông nghiệp phát huy thương hiệu, phát triển thị trường.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Từ năm 2016, ông Nguyễn Văn Tư (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân TP Hồ Chí Minh để chuyển toàn bộ các loại cây trồng của gia đình sang trồng dừa xiêm cao sản. Hiện ông trồng hơn 1.000 cây dừa xiêm xanh và xiêm đỏ. Bình quân một cây dừa cho thu nhập 800.000 đồng/năm, giúp ông đạt lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Tư chia sẻ: “Diện tích đất nông nghiệp của xã Lê Minh Xuân phần lớn nhiễm phèn nặng nên trước đây trồng lúa và mía không mang lại hiệu quả. Tuy cây dừa có giá trị kinh tế không cao bằng các loại cây ăn trái khác nhưng thích hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao. Từ mô hình của tôi, nhiều nông dân khác ở xã học tập và liên kết sản xuất. Năm 2018, tổ hợp tác trồng dừa xã Lê Minh Xuân ra đời với 18 thành viên, tổng diện tích trồng 60ha do tôi làm tổ trưởng giúp thương hiệu dừa xiêm của nông dân huyện Bình Chánh vươn xa”.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm tại Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2022.

Cũng như nông dân xã Lê Minh Xuân, người nông dân ở xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, sớm liên kết với nhau trong Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức, cùng phát triển thương hiệu sản phẩm rau, củ, quả, nổi bật là dưa leo 1.0. Sản phẩm được trồng trong nhà màng với hệ thống tưới tự động, sau khi thu hoạch được vệ sinh sạch qua hệ thống rửa tự động, được đóng gói cẩn thận và dán nhãn, giúp giảm chi phí nhân công trong quá trình trồng và chăm sóc. Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Nhuận Đức cho biết: “Để cung cấp các loại rau, củ, quả an toàn cho thị trường, chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nhân công và phát huy tối đa nguồn nhân lực. Sản phẩm của chúng tôi đã có “chỗ đứng” tốt tại thị trường thành phố và các tỉnh lân cận”.

Nhờ chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt, vùng nông thôn mới, nông nghiệp đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm, phù hợp với chủ trương của thành phố về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm này đang theo hướng chuỗi giá trị, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiêu biểu như các sản phẩm: Cá xiêm Thái của hộ ông Đỗ Văn Thảo (huyện Bình Chánh), nấm linh chi của hộ ông Trần Duy Khánh (huyện Hóc Môn), nấm mối đen của hộ ông Trần Trọng Nghĩa (huyện Nhà Bè), xoài cát của hộ ông Đoàn Thanh Tường (huyện Cần Giờ), rau ăn lá thủy canh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Nông Phát (huyện Hóc Môn), dầu gấc của Công ty Mekong Herbals (huyện Củ Chi)...

Tạo kênh quảng bá, phát triển thương hiệu

Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra đã trưng bày, giới thiệu đến công chúng và các đối tác những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của thành phố có chất lượng, giá trị sử dụng cao, thân thiện với môi trường. Đây là dịp để 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng gặp gỡ, trao đổi để nghiên cứu tạo ra các loại giống về trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao, phương thức sản xuất giống mới phù hợp với điều kiện thực tế, cung cấp sản phẩm tối ưu cho thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Bạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết: “Khi tham gia hội lần này, nông dân huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đối tác đón nhận như: Hoa lan, hoa dạ yến thảo, hoa dừa cạn... Tôi mong muốn thành phố sẽ có thêm các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại, hội thi, lễ hội, chợ phiên để thiết thực quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp uy tín, chất lượng cao. Qua đó tăng cường hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua kênh truyền thống, kết hợp sàn thương mại điện tử”.

Một trong những cách làm ý nghĩa, ghi nhận thành quả lao động, sáng kiến, sáng tạo của người nông dân tại TP Hồ Chí Minh là chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Năm 2021, đã có 30 sản phẩm nông nghiệp xuất sắc nhất của 28 cá nhân, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực như: Hoa lan, cây kiểng, rau, củ, quả, nấm, thủy sản, cá cảnh, sản phẩm nông nghiệp chế biến, chế phẩm sinh học... được tôn vinh. Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh), trong 4 năm qua, đã có hơn 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tôn vinh, góp phần tăng cường xây dựng thương hiệu, uy tín cho nông sản của thành phố, nhất là ở địa bàn nông thôn mới. Sản phẩm được tôn vinh luôn có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và xuất khẩu.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu vàng nông nghiệp giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và tiềm năng ngành nông nghiệp. Từ đó, có chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ, gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm. Đây là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại thành phố không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Bài và ảnh: KHÁNH GIANG

Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...