Mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân làm giàu

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể và vận động, hỗ trợ hội viên tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

* Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, Hội Nông dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) luôn đồng hành, hỗ trợ, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Toàn huyện Lương Sơn hiện có gần 14.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 498 chi, tổ hội. Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; sản xuất theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP... Đến nay, Hội đã tổ chức được gần 50 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 1.000 hội viên.

Để nông dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất qua hoạt động tín chấp, các cấp Hội nông dân trong huyện đã ký tín chấp với ngân hàng được trên 406 tỷ đồng thông qua 176 tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 5.000 hội viên; đồng thời, quản lý hiệu quả trên 3,3 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân cho hơn 200 lượt hội viên vay. Ngoài ra, các hoạt động phối hợp cung ứng phân bón, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi trả chậm cho hội viên cũng được Hội Nông dân quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, từng bước giúp hội viên thoát nghèo.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn Nguyễn Phùng Chinh cho biết, nhờ có vốn và kiến thức sản xuất từ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội trong huyện, nhiều gia đình hội viên đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững. Từ phong trào này, nhiều hội viên đã khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại thu nhập hàng năm từ 500 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, những hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ đã giúp hội viên chuyển biến nhận thức, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản. Đến nay, huyện đã có 4 chứng nhận nhãn hiệu tập thể, 13 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm bưởi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, thôn Đất Đỏ, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn chia sẻ: Được Hội Nông dân huyện và xã tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây có múi, gia đình ông đã xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi với trên 30.000 m2. Trong đó, 1 khu trại nuôi gà gần 3.000 m2 áp dụng công nghệ tự động và hơn 26.000 m2 vườn bưởi Diễn, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông khoảng 800 triệu đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ.

* Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất tập trung, an toàn, bền vững, hiệu quả, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và các chi, tổ hội nghề nghiệp quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Các cấp Hội cũng đã vận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng một số mô hình Hợp tác xã khởi nghiệp theo hướng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; áp dụng QR Code trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia trực tiếp trên các trang Web, sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động mua bán hàng hóa.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp ký hợp đồng cung ứng gần 2.000 tấn phân bón các loại trị giá 19 tỷ đồng; khoảng 170 tấn giống trị giá trên 8 tỷ đồng; 962,3 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 22 tỷ đồng, 42 tấn thuốc bảo vệ thực vật trị giá 3,6 tỷ đồng, 184 máy nông nghiệp trị giá 3,1 tỷ đồng. Các cấp Hội phát triển được trên 8 tỷ đồng, nâng số vốn Quỹ hỗ trợ nông dân lên 64 tỷ đồng cho 205 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp và 1.872 hộ hội viên nông dân vay mở rộng phát triển sản xuất. Hội Nông dân các cấp đã tín chấp nguồn ủy thác các ngân hàng, dư nợ đạt gần 4.000 tỷ đồng cho hội viên.

Cùng với đó, các cấp Hội phối hợp với ngành Bưu điện tỉnh, Công ty Viettel hỗ trợ cho gần 800 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; duy trì 8 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn, VietGap, hữu cơ, OCOP cho nông dân. Đến nay, các cấp Hội hỗ trợ hướng dẫn xây dựng 79 mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; 37 sản phẩm nông sản được xây dựng thương hiệu.

Hội phấn đấu trong năm 2025 thành lập mới 10 hợp tác xã, 45 tổ hợp tác; tuyên truyền, vận động thu hút thêm ít nhất 200 hộ hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể; thành lập mới 10 chi hội nghề nghiệp, 60 tổ hội nghề nghiệp và có ít nhất 10 hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ, thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác./.

Vũ Hà

Lượt xem: 29
Tác giả: Vũ Thị Hà
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...