Làn sóng sa thải ngầm ở Traveloka - kỳ lân du lịch trực tuyến

Traveloka - kỳ lân du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á, đang lặng lẽ sa thải hàng loạt nhân sự tại các thị trường khác nhau từ tháng 1, theo Techinasia.

Tại Indonesia, trụ sở Traveloka, diễn ra ít nhất hai đợt cắt giảm nhân sự - đầu tiên vào giữa tháng 1 và tiếp theo vào đầu tháng 3. Ngay cả những nhân sự quản lý cao cấp cũng bị sa thải, theo nguồn tin của Techinasia.

Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy có hơn 3.100 nhân sự, không có nhiều thay đổi kể từ tháng 6.2022. Đến 30.3, công ty vẫn đang tuyển tổng cộng 81 vị trí tại các thị trường, gồm cả Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - hầu hết tin tuyển dụng đăng từ hai tuần trước.

Traveloka được ví như kỳ lân du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á. Ảnh: Techinasia

Traveloka được ví như kỳ lân du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á. Ảnh: Techinasia

Làn sóng sa thải này xảy đến sau khi giảm đốc vận hành Alfan Hendro rời đi vào táng 12.2022. Lãnh đạo công ty không giải thích gì thêm về trường hợp này, cũng như các nhân viên không nhận được thông tin cắt giảm nhân sự.

Theo nguồn tin nội bộ, nhân sự bị ảnh hưởng ở Indonesia chọn giữ im lặng sau khi bị sa thải, bởi lo ngại không được công ty bồi thường.

Từ tháng 1, nhân viên nhận thông báo về một đợt đánh giá lại hiệu suất làm việc của toàn bộ hệ thống, được yêu cầu làm từ xa toàn thời gian từ 17.1 đến 27.2 để đảm bảo công bằng cho quá trình đánh giá. Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ khẳng định đợt sa thải và đánh giá hiệu suất không liên quan đến nhau.

Techinasia liên lạc với một nhân viên thuộc diện bị cắt giảm tại Singapore, người này cho biết không nhận được kết quả đánh giá hiệu suất làm việc. Ngoài ra, không có khoản bồi thường hay trợ cấp sau khi dừng hợp đồng lao động.

Bộ phận nhân sự của Traveloka cũng gửi thư ngỏ yêu cầu các nhân viên bị sa thải ở Singapore ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin.

Một số dấu hiệu cho thấy Traveloka đang cắt giảm chi phí trước đợt sa thải mới. Một số nhân viên cho biết công ty giới hạn truy cập vào một số nền tảng, công cụ. Hai cựu nhân viên khác cho biết thuộc diện cắt giảm vì kinh tế khó khăn, không vì hiệu suất làm việc kém.

Trước đó, tháng 4.2020 Traveloka từng phải cắt giảm 10% nhân sự - tương đương 100 người do ảnh hưởng của COVID-19 tại Indonesia.

Hậu COVID-19, kỳ lân du lịch online này có xu hướng thiết lập lại ưu tiên đối với hoạt động kinh doanh. Sau khi COO Alfan Hendro dứt áo ra đi, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Ferry Unardi thông báo định hướng chỉ tập trung vào du lịch - thế mạnh của công ty.

Trong đại dịch, công ty này từng phải mở rộng sang dịch vụ giao hàng, đi chợ trực tuyến khi hoạt động du lịch tê liệt hoàn toàn. Vì lẽ đó, hiện công ty có hơn 20 dịch vụ chia làm ba mảng du lịch, dịch vụ địa phương và dịch vụ tài chính.

Theo nguồn tin của Techinasia, những người thuộc diện sa thải trong hai đợt vừa qua chủ yếu thuộc mảng dịch vụ tài chính. Công ty đang mở rộng hoạt động sang Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines - nhưng chưa có thông tin cắt giảm nhân sự ở các thị trường này. Công ty từng ra mắt thị trường Australia vào tháng 2.2019.

Quý 3.2020, Traveloka được định giá khoảng 3 tỉ USD, nhưng dừng đám phán IPO ở Mỹ vào năm 2021. Hiện kỳ lân du lịch này đang tổ chức nhiều vòng huy động vốn, gần nhất thu về 300 triệu USD.

Các nhà đầu tư của Traveloka bao gồm quỹ GIC của Singapore với 420 triệu USD vào tháng 4.2019 và công ty du lịch trực tuyến Expedia của Mỹ rót vốn 350 triệu USD vào năm 2017.

Được thành lập như một công ty tổng hợp chuyến bay vào năm 2012, Traveloka là một trong 5 "kỳ lân" khởi nghiệp của Indonesia được định giá hơn 1 tỉ USD - nhanh chóng chuyển sang cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn của riêng mình. Công ty này phát triển nhanh chóng nhờ thu nhập tăng và tốc độ tăng trưởng nhu cầu đi lại của người dân Indonesia.

Lượt xem: 21
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết