Lạm phát đang "nóng", giải pháp nào để kiềm chế?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, lạm phát đang là vấn đề hết sức “nóng” và cần tập trung chống lạm phát để bảo đảm phát triển cũng như an sinh xã hội.

 Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trọng Hải.

Áp lực lạm phát của Việt Nam ít hơn các nước

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc diễn ra ngày 8-6, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, lạm phát trên thế giới đang tăng rất nhanh, trong khi Việt Nam nhập khẩu hàng hóa, vật tư đầu vào rất lớn.

"Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Thêm vào đó, Việt Nam đang giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, nghĩa là tăng thêm tiền vào nền kinh tế, thêm áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì kiềm chế lạm phát thời gian tới?", đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, lạm phát đang là vấn đề hết sức “nóng” và cần tập trung chống lạm phát để bảo đảm phát triển và an sinh xã hội, không gây khó cho người dân.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện trên thế giới lạm phát đã là 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%... còn Việt Nam là 2,25%. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nguồn nguyên vật liệu chưa sản xuất được, phụ thuộc nước ngoài. Giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón…

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam tự chủ được lương thực, thực phẩm vốn chiếm tới 40% rổ hàng hóa, do đó áp lực lạm phát ít hơn. Vì vậy, đây cũng có thể là thời điểm vàng để chúng ta bứt phá phát triển; nếu ta tận dụng được cơ hội này chắc chắn sẽ bật lên.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn về giải pháp kiềm chế lạm phát thời gian tới. Ảnh: Trọng Hải.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc đến một số chính sách tài khóa vừa giảm thuế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên; quản lý chặt giá cả; thực hiện đúng Luật Giá.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đột phá vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số.

"Cốt lõi của nền kinh tế không chỉ ở chính sách tài khóa, tiền tệ mà cơ bản các chính sách này phải hướng đến doanh nghiệp, người dân. Người dân, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có thu nhập, GDP tăng, thu nhập tăng, giải quyết được việc làm, có cuộc sống tốt thì sẽ giữ vững được chính sách về tài khóa, tiền tệ và cả thị trường chứng khoán", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Vì vậy, mọi thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghiệp phải dồn cho người dân, doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đây là giải pháp căn cốt nhất để chống lạm phát tốt nhất – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.

Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp

Tại phiên họp, tham gia giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm 100%. Có nghĩa là, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá để kiềm chế lạm phát. Ảnh: Trọng Hải.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có chính sách tiền tệ, tài khóa cần kết hợp chặt chẽ. Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức 2,25%.

Qua phân tích, mức tăng này liên quan đến giá hàng hóa thế giới. Còn với góc độ điều hành là do các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân. “Thời gian tới, khi các gói này đưa ra cũng sẽ tác động đến lạm phát”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tiễn.

“Trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ tài khóa và chính sách kiểm soát giá”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những chính sách phù hợp…

THẢO PHƯƠNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 90
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết