Không để người tiêu dùng chịu thiệt

Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam vừa làm lễ khai trương tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Buổi lễ được tổ chức khá rình rang, bởi có sự hiện diện của đông đảo đại biểu, khách mời là lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum.

Trong buổi lễ, công ty giới thiệu nhiều sản phẩm của mình và tuyên bố đang sở hữu vườn sâm Ngọc Linh hơn 10ha tại hai xã của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Đồng thời, công ty này còn công bố đã thành lập từ năm 2019, có khu nghiên cứu và phát triển nguồn giống từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được liên kết trực tiếp với Viện Sinh học Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)... Từ đó đã và đang tạo ra những sản phẩm sâm tốt, an toàn cho người sử dụng tại Việt Nam và thế giới.

Đừng để danh tiếng của sâm Ngọc Linh bị lợi dụng. Ảnh minh họa / BaoQuangnam.vn 

Thế nhưng, sau khi có phản ảnh của người dân, các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tìm hiểu thì sự thật Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam chỉ sở hữu vườn sâm qua... phát ngôn của vị giám đốc. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, sản phẩm công ty có được là do hoạt động mua đi bán lại và chưa có báo cáo về việc họ trồng sâm trên địa bàn.

Như vậy, rõ ràng công ty này đang lừa dối người tiêu dùng, bởi họ dùng việc sở hữu vườn sâm quý để lấy uy tín, nâng tầm giá trị công ty, tạo niềm tin cho khách hàng. Chưa biết thực hư sản phẩm được mua đi bán lại có tốt, có bảo đảm chất lượng hay không, nhưng cách làm này không thể chấp nhận.

Như chúng ta đã biết, đời sống xã hội ngày càng phát triển thì người dân càng quan tâm nhiều đến sức khỏe và sẵn sàng “móc hầu bao” mua những sản phẩm dinh dưỡng bồi bổ cơ thể. Song thực tế, người tiêu dùng khó có khả năng phân biệt chính xác chất lượng sản phẩm mà phần nhiều đặt sự tin tưởng vào doanh nghiệp, vào sự tham gia của những người có chức vụ, địa vị, tầm ảnh hưởng trong xã hội với doanh nghiệp. 

Mặt khác, giá trị dinh dưỡng và kinh tế của sâm Ngọc Linh rất lớn nên nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn để làm giả. Vì thế, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum đã thu giữ không ít sâm Ngọc Linh giả.

Hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, được Nhà nước khuyến khích, nhân dân ủng hộ, còn không ít doanh nghiệp nhờ mối quan hệ, “vận động hành lang”, tự nâng tầm giá trị hoặc quảng cáo sai sự thật, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố... Điều đó cho thấy những hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm xói mòn lòng tin của người dân đến các sản phẩm tiêu dùng có mặt trên thị trường. Khi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử... các đối tượng phải trả giá vì những vi phạm, nhưng thiệt hại và chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân.

Các quy định pháp luật, chế tài xử phạt hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng năng lực của doanh nghiệp đều đã có. Song, để hạn chế và ngăn chặn những hành vi này phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu tổ chức thành lập, kiểm tra, đánh giá năng lực thực tế vận hành doanh nghiệp; thường xuyên có biện pháp quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với người sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử, phù hợp với quy định quốc gia, thông lệ quốc tế, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như của người tiêu dùng.

VŨ DUY HIỂN

Tags: qdnd
Lượt xem: 197
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết