Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp xuất khẩu
Vụ việc 35 container hạt điều của các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường Italy đã đến hồi tốt đẹp. Tòa án ở Italy vừa ra phán quyết rằng những container hạt điều còn lại trong số 35 container bị mất quyền kiểm soát chứng từ gốc hồi đầu tháng 3-2022 phải được trả lại cho các công ty Việt Nam.
Để đạt được kết quả này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong giải quyết vụ việc. Khi điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Chính phủ Italy giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp Việt Nam. Các bộ, ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được yêu cầu đồng loạt vào cuộc, cùng với sự bám sát vụ việc của Đại sứ quán, Tham tán thương mại tại Italy, nhờ đó đã mang lại thành công.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Đây là một vụ việc điển hình cho thấy xuất khẩu hàng hóa đầy rẫy những cạm bẫy. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không am hiểu về luật pháp nước bạn, không am hiểu về đối tác, về phương thức thanh toán, đặc biệt là không có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì rất dễ gặp rủi ro, thậm chí có nguy cơ mất trắng hàng hóa, tiền bạc, thiệt hại có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng như trong vụ việc nêu trên.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở hàng đầu thế giới. Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định thế hệ mới mang tính chiến lược, mở ra rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh cơ hội, thị trường rộng mở, đa dạng cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro về pháp lý. Theo Bộ Công Thương, cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngày càng cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh, ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến hết tháng 4-2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong thời gian qua, do những bất ổn địa chính trị mà thị trường thế giới xuất hiện những dấu hiệu phức tạp hơn trong phương thức thanh toán, mua bán hàng hóa từ một số thị trường, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, cùng với việc bản thân các doanh nghiệp phải tăng tính chủ động, phòng ngừa rủi ro thì các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phải hết sức quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp trên thương trường quốc tế. Các đại sứ quán, tham tán thương mại cần hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về đặc điểm thị trường, về ngành hàng, về đối tác tại thị trường xuất khẩu, về các phương thức thanh toán an toàn, cần cảnh báo những rủi ro có thể gặp phải. Khi doanh nghiệp Việt Nam vướng vào những vụ việc pháp lý tại thị trường quốc tế thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan để giải quyết một cách thuận lợi nhất.
Vụ việc 35 container hạt điều xuất khẩu suýt mất trắng là kinh nghiệm xương máu để từ doanh nghiệp Việt Nam cho tới các cơ quan chức năng cần đề cao cảnh giác, có giải pháp căn cơ nhằm ngăn ngừa những trường hợp tương tự tái diễn.
HỒ QUANG PHƯƠNG