Hàng tỷ USD đổ về đâu sau vụ sập hàng loạt ngân hàng Mỹ?

Ít nhất là 200 tỷ USD tiền gửi trong các ngân hàng như SVB và Signature Bank sẽ được rút ra trong thời gian tới.

Người sáng lập Ashley Tyrner của công ty khởi nghiệp FarmBoxRx đang đi nghỉ dưỡng cùng gia đình ở Costa Rica thì nhận được một loạt tin nhắn từ COO. Ngân hàng Thung lũng Silicon đang dừng hoạt động và công ty cần rút số tiền trị giá vài chục triệu USD ra càng sớm càng tốt.

Tyner cho biết: “24 tiếng qua là thử thách lớn nhất từ khi đi làm đến nay, và có lẽ cũng là khó khăn lớn nhất trong đời tôi cho đến hiện tại”.

Và không chỉ có Tyner phải đối mặt với những giây phút căng thẳng như vậy. Trong nhiều năm, SVB là ngân hàng dành cho những công ty khởi nghiệp công nghệ ở Thung lũng Silicon. Giờ đây, trước sự sụp đổ chóng vánh và đáng kinh ngạc của SVB, các công ty phải giải quyết nhu cầu cấp bách mới mà họ chưa từng trải qua trước kia. Họ phải đa dạng hoá tài sản, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro một ngân hàng khác lại sụp đổ.

Đứng trước nhu cầu đó, một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ như JPMorgan hay Bank of America trở thành một trong những người được hưởng lợi hàng đầu.

CEO Aditi Shekar của Zeta cho biết: “Chúng tôi dự định phân bổ tiền của mình sang một vài tài khoản, bao gồm ít nhất một ngân hàng Big Four để giảm thiểu sự gián đoạn trong trường hợp sự cố lặp lại”. Cô nhắc đến một vài ngân hàng lớn như JPMorgan, Bank of America, Citi, và Wells Fargo. Song, Shekar cho rằng gửi tiền vào các ngân hàng Big Four cũng có thể là con dao hai lưỡi.

Cuộc “di cư” đến các ngân hàng lớn

Hiện tại, rất khó để xác định số tiền chuyển vào các ngân hàng lớn là bao nhiêu. Nhưng hơn 200 tỷ USD đã sẵn sàng chờ rút khỏi các ngân hàng đã đóng cửa. SVB nắm giữ khoảng 175 tỷ USD tiền gửi, còn Signature Bank thì có 89 tỷ USD.

Những người sáng lập công ty khởi nghiệp cho biết các ngân hàng Big Four là một phần quan trọng trong nỗ lực đa dạng hoá. Carla Matheson, một nhà sáng lập công ty khởi nghiệp, chia sẻ quan điểm rằng hãy đi theo các ngân hàng lớn cho tới khi thực sự biết vấn đề đằng sau là gì.

Vào ngày 10/3, tờ New York Post đưa tin rằng các nhân viên ngân hàng JPMorgan đang làm việc ngày đêm để giúp khách hàng hiện tại chuyển tiền hoặc mở tài khoản mới cho khách.

Trong thông báo gửi khách hàng hôm 13/3, nhà phân tích Mike Mayo của ngân hàng Wells Fargo đã viết rằng JPMorgan nói riêng đã từng trải qua các thị trường đầy biến động. Ngân hàng này là hình ảnh thu nhỏ về cách các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ loại bỏ rủi ro kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ít nhất, một khách hàng hiện tại của Ngân hàng Mỹ (BofA) đã miêu tả sự bình tĩnh của những người gửi tiền tại các ngân hàng lớn trong những ngày hỗn loạn của thị trường.

Một chủ doang nghiệp nói: “Tôi không lo lắng về BofA. Tôi ngạc nhiên khi Signature bị đóng cửa tối qua, nhưng tôi hiểu lý do tại sao”.

Cái giá để đánh đổi

Tất nhiên, muốn đến một nơi an toàn hơn, người gửi cũng phải trả một mức giá tương xứng. Một số nhà sáng lập nói với trang Insider rằng họ lo ngại rằng sẽ bị mất đi một số đặc quyền mà chỉ những ngân hàng như SVB cung cấp cho các công ty non trẻ.

Ví dụ, các ngân hàng lớn có thể trả lãi tiền gửi ít hơn. Các chi phí dịch vụ cũng có thể tăng lên. Nhà sáng lập Matheson cho biết các công ty khởi nghiệp tại Canada đang lo lắng về chi phí phải trả cho các ngân hàng lớn. Trước đây, SVB có mối quan hệ gắn bó với các công ty mới ở Canada.

Matheson cho biết thêm rằng trong 48 giờ qua, khách hàng chủ yếu tìm đến để hỏi về chi phí giao dịch, đặc biệt là việc chuyển đến các ngân hàng lớn sẽ đắt hơn bao nhiêu.

Nếu các ngân hàng lớn nhất của Mỹ nhận được một lượng tiền gửi khổng lồ mới, họ cũng có thể bị giám sát chặt chẽ hơn so với thời kỳ hậu khủng hoảng.

Giáo sư Flannery của Đại học Florida cho biết: “Các ngân hàng lớn đang trong trạng thái rất tốt. Do đó, việc di chuyển các khoản tiền gửi có thể là một quyết định đúng đắn”.

Theo BI

Lượt xem: 14
Tác giả: Theo Anh Dũng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...