Hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, nguyên nhân vì sao?

Theo Bộ Công Thương, việc có hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không phải phổ biến bởi đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa

Trong thông báo mới nhất cập nhật về tình hình xăng dầu, Bộ Công Thương thông tin tình trạng gần đây, có xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

“Tuy nhiên, hiện tượng này không phải phổ biến, khi số cửa hàng đóng cửa là hơn 100 cửa hàng trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động. Ngoài ra, một số cửa hàng thiếu một mặt hàng cá biệt (xăng hoặc dầu) vẫn tiếp tục kinh doanh”, Bộ Công Thương nhận định.

 Hơn 100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Lý giải thêm về tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chính là từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Vì thế, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, bão lũ cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương...

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Việc này nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng theo đúng quy định.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước; yêu cầu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.

Nguồn cung xăng dầu có bảo đảm cho thị trường trong nước?

Bộ Công Thương khẳng định: Dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Bộ Công Thương dẫn chứng Petrolimex tồn kho đến ngày 8-10 là khoảng 489.000m3 (gồm 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); PV Oil còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3...

"Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình", Bộ Công Thương cho biết. 

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo đảm nguồn xăng dầu

Liên quan đến việc bảo đảm ổn định giá xăng dầu, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao, cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bảo đảm các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để bảo đảm nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân, bảo đảm giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho người dân. Bộ Tài chính đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, hiện nay, vấn đề làm thế nào để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.

"Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối Việt Nam cũng có đến 500 doanh nghiệp, vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị. 

"Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường việc quản lý", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

THẢO PHƯƠNG