Hà Nội phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại
Thành phố Hà Nội đang tập trung nguồn lực để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.
Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 3%
Nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Theo đó, thành phố sẽ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ, hiện đại; Chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao.
Thành phố xác định, thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước, các nước trong khu vực và thế giới.
Hà Nội chủ trương phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại |
Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội khoảng 25%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%. Trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%; Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.
Thành phố cũng duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp, dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp, dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Về tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Cùng với việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, thành phố Hà Nội chủ trương tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 14.720 người, trong đó: Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật; Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; Người chấp hành xong hình phạt tù, là 14.202 người.
Thành phố cũng chủ trương tổ chức đào tạo cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là 500 người.
Thông qua đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5% trở lên.
Thành phố Hà Nội chủ trương tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 14.720 người |
Để làm tốt nhiệm vụ này, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; Tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn thành phố trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố cũng lưu ý, đào tạo nghề gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát kinh tế - xã hội và các chương trình của thành phố và từng địa phương; Tổ chức đào tạo bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành.
UBND thành phố Hà Nội đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là tập trung tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Chú trọng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, giải quyết việc làm.
Ngoài ra, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cần được triển khai linh hoạt, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc thù của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mở ra cơ hội việc làm bền vững cho người lao động…