Hà Nội: Nâng cao chất lượng các vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP
Để nâng cao chất lượng các vùng trồng lúa chất lượng cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc làm này, không chỉ giúp hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, mà còn giúp các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng lúa gạo trên thị trường.
Xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có khoảng 160.000ha sản xuất lúa. Để phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn.
Trong vụ mùa 2024, Hà Nội đã hỗ trợ triển khai các mô hình lúa VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 50ha ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) và xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), với 338 hộ tham gia thực hiện trên giống lúa TBR 225, HD11 và nếp cái hoa vàng.
Tham gia mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón và 50% thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch (mạ khay, cấy bằng máy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng flycam, thu hoạch bằng máy) và được tập huấn, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật áp dụng sản xuất lúa theo hướng VietGAP.
Kiểm tra chất lượng vùng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc |
Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng phát triển tốt. Điểm huyện Mê Linh bị sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại nhẹ, cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình, phối hợp với cơ sở hướng dẫn các hộ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa, tích cực kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo.
Theo bà Vũ Thị Hương, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, mỗi vùng có diện tích từ 50ha đến 300ha.
“Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, giúp nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, giảm dư lượng các chất độc hại trong đất cũng như trong sản phẩm hạt gạo. Cùng với đó, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, hướng đến sản phẩm gạo sạch, góp phần xây dựng vùng trồng lúa khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, bà Vũ Thị Hương thông tin thêm.
Xây dựng thương hiệu lúa gạo để mở rộng thị trường tiêu thụ
Mặc dù thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ triển khai các mô hình lúa VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại nhiều huyện ngoại thành, song, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP còn gặp không ít khó khăn, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Một số hộ dân ngại thay đổi tập quán canh tác, nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất bị hạn chế. Việc liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm lúa gạo VietGAP giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết và đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh…
Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, giúp nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, giảm dư lượng các chất độc hại trong đất cũng như trong sản phẩm hạt gạo |
Để nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) Đỗ Huy Cường cho rằng: Các ngành chức năng cần hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia mô hình về giống, phân bón, thuốc bảo vệ sinh học; mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng vào sản xuất.
Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Tạo điều kiện để các hợp tác xã gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo quy trình VietGAP.
Cùng với đó, Sở sẽ hỗ trợ các hợp tác xã cơ giới hóa sản xuất lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng lớn, bảo đảm chất lượng ổn định.
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ phối hợp với những sở, ngành liên quan hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu lúa gạo để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội |