Giảm sức ép cấp vốn cho hệ thống ngân hàng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến ngày 31-8-2022, tín dụng tăng 9,95% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.

Trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, cao hơn cùng kỳ năm trước, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. 

Tín dụng hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế

Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong thời gian qua, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng đã đóng góp tích cực trong kết quả tăng trưởng kinh tế 8 tháng đầu năm. Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, kết quả tăng trưởng trong 8 tháng vừa qua hết sức ngoạn mục. Điều này không phải ngẫu nhiên mà đây là kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như “nghệ thuật” điều hành, trong đó NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ rất chắc tay. 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: HỒNG NHUNG 

Một động thái điều chỉnh trong điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá tích cực trong tuần qua đó là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo chính thức về việc đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ("room tín dụng") năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này. Giới chuyên môn đánh giá, động thái điều chỉnh "room tín dụng" phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, dự báo tăng trưởng quý III-2022 sẽ cao hơn nhiều so với quý II-2022. “Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng. Việc điều chỉnh "room tín dụng" thể hiện sự kịp thời, chủ động của NHNN Việt Nam trong mở rộng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế”, GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét.

Thận trọng điều chỉnh chính sách

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV-2022 và năm 2023 do nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, thậm chí nhiều khó khăn. Trong khi áp lực lạm phát không còn căng thẳng như giai đoạn trước nữa nên thời điểm này có thể nghiên cứu mở rộng "room tín dụng" tăng cao hơn mục tiêu 14% đặt ra, để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà phát triển... 

Đối với vấn đề "room tín dụng", TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trước áp lực lạm phát toàn cầu khiến các ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, chỉ một số nước nới lỏng do suy thoái. Còn tại Việt Nam chưa có dấu hiệu thắt chặt và NHNN Việt Nam đang điều hành thận trọng theo diễn biến thị trường. Điều đó thể hiện rõ qua việc NHNN Việt Nam tiếp tục kiên định điều hành chính sách tín dụng theo định hướng từ đầu năm tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Vấn đề đặt ra nữa là hiện nay, nhu cầu của nền kinh tế không chỉ vốn ngắn hạn mà cả vốn trung hạn, dài hạn. Mà đối với vốn trung hạn, dài hạn thì ngân hàng không thể đáp ứng được nguồn vốn này bởi ngân hàng chỉ cung ứng vốn ngắn hạn. Còn trung hạn, dài hạn phải phụ thuộc vào thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Vì vậy, TS Trần Hoàng Ngân đề nghị cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế để có thể phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đó mới là thị trường bền vững.  

Với diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay, theo TS Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia là phù hợp và nên thận trọng với cung tiền. TS Võ Trí Thành cho rằng, nhìn dài hạn, không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng mãi ở mức 13-14%. Đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF, Ngân hàng Thế giới-WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 124%).

Mới đây, ngày 6-9-2022, mặc dù Moody’s nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 nhưng tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lần lượt lên 124% và 187% trong năm 2021, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa. Chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại không theo kịp quy mô tăng tín dụng... các tổ chức quốc tế (IMF, WB, Fitch Ratings, S&P) cảnh báo khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh; tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phát triển thị trường vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế phát triển bền vững, theo TS Võ Trí Thành đó là cần có thể chế tốt để thúc đẩy thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. 

Không phủ nhận nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng điều cần hơn, cấp thiết hơn, theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đó là hấp thụ vốn chứ không phải áp lực nới "room tín dụng". Nếu hấp thụ được vốn thì "bơm" vốn có hiệu quả. Còn không hấp thụ được vốn mà "bơm" vốn là họa chứ không phải là phúc. “Đấy mới là vấn đề cần phải tháo gỡ”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh và để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chứ không chỉ riêng chính sách tiền tệ. Điều cần làm bây giờ là phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung hạn và dài hạn cho chính sách tiền tệ. 

NHNN Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế không chủ quan với rủi ro lạm phát để kiểm soát quy mô, tăng trưởng gắn với chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. 

HÀ THÀNH

 

Tags: ngân hàng
Lượt xem: 61
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết